Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Góp ý của fb Trương Nhân Tuấn về vấn đề biển Đông

Vấn đề giàn khoan 981 và tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa có thể sẽ giải quyết bằng một phương cách khác, vừa phù hợp với thực tế lịch sử cũng như quốc tế công pháp, vừa đem lợi ích cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Đó là áp dụng tinh thần Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973. Theo tinh thần hai hiệp định quốc tế này, hai thực thể chính trị VNCH và VNDCCH không phải là hai « quốc gia độc lập, có chủ quyền ».

Trên phương diện thực tế và lịch sử, 20 tháng 7 năm 1954, hiệp định Genève quyết định phân chia quốc gia VN thành hai miền tại vĩ tuyến 17. Hiệp định nhấn mạnh việc phân chia chỉ tạm thời, đường vĩ tuyến 17 trong bất kỳ trường hợp nào, không thể xem đó là đường biên giới phân định lãnh thổ hay chính trị. Hai miền Nam và Bắc lần lượt mang tên Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nội dung Hiệp định Genève xác nhận VN là nước « độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và thống nhất ».

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do ở phía nam vĩ tuyến 17, do đó thuộc quyền quản lý của VNCH.

Hiệp định Paris năm 1973 xác định lại nội dung hiệp định Genève 1954 : « VN là nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và thống nhất ».

Cả hai hiệp định này đều được bảo trợ của Trung Quốc, cũng như các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp…

Năm 1956 VNCH công bố Hiến pháp, điều 1 khẳng định : VN là một nước cộng hòa, độc lập, thống nhất và bất khả phân. Về phía VNDCCH, Hiến pháp 1946, điều 2 xác định VN là một khối thống nhất bắc, trung, nam không thể phân chia. Hiến pháp 1959, những dòng đầu đã khẳng định VN là một nước thống nhất từ Lạng sơn đến Cà Mau.

Cả hai miền như vậy đều tôn trọng nội dung hiệp định Genève 1954 : Việt Nam là một quốc gia thống nhất (ba miền) độc lập và có chủ quyền.

Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận VNCH là đại diện của nước Việt Nam duy nhất. Khối XHCN công nhận VNDCCH là đại diện nước VN duy nhất. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược lại.

Tức là, trên thế giới chỉ hiện hữu một quốc gia VN duy nhất. Hai thực thể VNCH và VNDCCH, nói theo ngôn ngữ công pháp quốc tế, là hai « quốc gia chưa hoàn tất – Etat partiel ».

Ngoài ra, thời điểm phát xuất công hàm 1958 của cố TT Phạm Văn Đồng, phía VNDCCH vẫn còn có nguyện vọng thống nhất đất nước. Nhiều lần phía VNDCCH hối thúc VNCH, cho đến năm 1960, thương nghị giữa hai miền để tiến tới thống nhất Việt Nam theo nội dung của Hiệp định Genève 1954.

Như vậy, trên quan điểm công pháp quốc tế, nước VN chỉ có một, thống nhất ba miền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, có chủ quyền.

Trên tinh thần các kết ước quốc tế 1954 và 1973, bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (VNCH hay VNDCCH), như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, cũng như một số các hành vi khác của VNDCCH trong khoảng thời gian 1954-1976 có thể diễn giải là hành vi từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, vì đe dọa đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, do đó chúng đều không có giá trị pháp lý.

Về vấn đề kiện tụng Trung Quốc về vụ giàn khoan 981 cũng như về tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, tôi có đề nghị như sau :

Ta thấy tổ chức Liên Hiệp Quốc, qua phát ngôn nhân của tổ chức, mới đây cho biết đã đồng ý làm trung gian để hòa giải tranh chấp hai bên Việt Nam và Trung Quốc. VN cần nhanh chóng nắm lấy cơ hội này, bằng cách :

Đệ đơn đề nghị Tòa Công lý Quốc tế (CIJ) tuyên bố một số điều :

-      Việc chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.

-      Việc chiếm hữu các đảo ở Trường Sa (lập danh sách chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

-      Việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

Nếu cần thiết (để mở cho Trung Quốc một bước lùi chiến lược), kiện TQ về lý do :

-      Vi phạm nội dung Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Việt 30-12-2000 về việc chủ trương hiệu lực các đảo, áp dụng cho việc phân định ngoài cửa vịnh Bắc Việt.

Ba điều đầu tiên yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn toàn thuộc về quyền của quốc gia Việt Nam, là thành viên các công ước và các nguyên tắc cơ bản của LHQ. Đồng thời việc giải thích nội dung các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Tòa CIJ. (Các điều ước quốc tế liên quan gồm : Công ước Drago-Porter 1907, Hiến chương LHQ điều 2 khoản 4 ngày 26-6-1945, hay Tuyên bố của Đại hội đồng LHQ 18-11-1987). Đặc biệt các yêu cầu này không liên quan đến các bảo lưu của TQ về việc phân giải tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế.

Mục đích việc yêu cầu Tòa tuyên bố, nếu thành công (điểm 3), sẽ đưa quần đảo Hoàng Sa (không có tranh chấp, theo TQ) vào tình trạng « có tranh chấp ».

Nếu VN thua, tức Tòa không tuyên bố (không có ý kiến), thì VN cũng không có gì để mất. Trong vụ yêu cầu Tòa tuyên bố này không hề nói đến chủ quyền các đảo (HS và TS) là của ai, mà chỉ nói đến việc nhìn nhận hay không nhìn nhận, danh nghĩa chủ quyền nếu việc chiếm hữu thực hiện bằng vũ lực.

Còn nếu thắng, VN được nhiều thứ.

Theo tập quán quốc tế, « đất thống trị biển ». Nếu các đảo Hoàng Sa là lãnh thổ « có tranh chấp » thì vùng biển phát sinh từ nó cũng có tranh chấp.

Vị trí giàn khoan 981 có thể được xem nằm trong vùng biển « có tranh chấp » mà  tranh chấp này phát sinh từ chủ quyền các đảo HS chứ không phải phát sinh do chồng lấn hải phận (giữa bờ biển VN với các đảo HS, theo như lập luận của TQ hiện nay).

Theo thông lệ quốc tế, nếu lãnh thổ có tranh chấp, việc giải quyết thường là chia hai (hay cộng đồng khai thác), mỗi bên được một phần của lãnh thổ đó. Tức là, quần đảo HS có thể chia hai, thí dụ hai nhóm Nguyệt Thiềm và An Vĩnh. VN có thể nhận nhóm Nguyệt Thiềm (phía tây) và giao cho TQ nhóm An Vĩnh (phía đông). Hải phận sinh ra do quần đảo này do đó cũng sẽ chia hai.

Đó là cái lợi thứ nhất.

Cái lợi thứ hai ở Trường Sa. Nếu tòa tuyên bố, thì TQ không có chủ quyền tại các đảo của VN tại TS. TQ sẽ không thể tuyên bố vùng « nhận diện phòng không » trong khu vực này được.

Cái lợi thứ ba, là VN dành được tính « chính đáng ». Nhiều người cho rằng các phán quyết của Tòa cũng không làm gì, nếu TQ không tuân thủ.

Theo tôi, phán quyết của Tòa có tầm quan trọng rất lớn. Trong vụ giàn khoan 981, nếu TQ không rút giàn khoan, VN có thể dùng các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc « bảo vệ » ở đây mang tính tự vệ chính đáng, được hiến chương LHQ công nhận.

Đây là một việc làm ít tốn kém, đáng lẽ không cần phải đưa ra một tổ hợp luật sư nào. Tuy nhiên, để nắm chắc phần thắng, đơn không bị bác do lỗi thủ tục, VN nên thông qua một tổ hợp luật sư chuyên môn ở HK.
https://www.facebook.com/notes/nhân-tuấn-trương/vài-câu-hỏi-kính-gởi-luật-sư-nguyên-le-ha/802296909810653

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Xử án ở Việt Nam 'còn nhiều oan sai

Ngày 24/6 Quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2015, một nội dung chuyên đề được lựa chọn giám sát là tình hình oan sai trong việc giải quyết các vụ án hình sự.
Kêu oan thường có hai loại
Loại thứ nhất, oan vì bị xử nặng. Theo đó đúng là bị cáo có hành vi phạm tội, bị cáo thừa nhận nhưng họ cho rằng tòa tuyên án quá nặng, mức án không tương xứng với hành vi, xử như thế cũng là oan và họ xin giảm nhẹ hình phạt.Mỗi loại có tính chất mức độ nghiêm trọng khác nhau và quá trình xử lý giải quyết cũng khác nhau.
Thường bị cáo bị xử oan sẽ làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để tòa phúc thẩm xem xét. Nếu tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm cho rằng xử như thế là đúng rồi không oan thì thực tế bị cáo thường buông xuôi không kêu oan nữa mà cam chịu chấp nhận.
Loại thứ hai, bị cáo kêu oan vì cho rằng mình không thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã bắt nhầm người và yêu cầu được giải quyết minh oan.
Những trường hợp này bị cáo rất cương quyết và rất bức xúc, trong mọi dịp gặp gỡ với những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng họ đều kêu oan và mong được giúp đỡ minh oan. Trong mọi trường hợp họ đều theo đuổi việc kêu oan tới cùng kể cả sau khi đã ra tù.
Nhưng không phải trường hợp kêu oan nào cũng được may mắn xem xét giải quyết, lý do là việc kêu oan phải trình ra được các chứng cứ hoặc cơ sở thuyết phục, điều này muốn có được thì phải nhờ luật sư giỏi có chuyên môn sâu.
Các cơ quan tư pháp cấp cao muốn xét lại sự việc thì lại phải nghe báo cáo từ cấp dưới mà nhiều khi những người báo cáo lại chính là người đã giải quyết án.
Vậy lãnh đạo phải tin ai giữa một bên là thuộc cấp của mình đã được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ và quá trình giải quyết đã được sàng lọc kiểm soát qua nhiều cơ quan khác nhau, với một bên là tội phạm với bản chất thường bị cho là gian manh xảo quyệt?
Điều đó có thể hơi bi quan tiêu cực, vì thực tế cũng đã có những trường hợp việc kêu oan được quan tâm lắng nghe và giải quyết minh oan.
Ví dụ trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị ngồi tù oan 10 năm, ngần ấy thời gian tù oan cũng là ngần ấy thời gian ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan và cuối cùng được minh oan. Ở Bắc Giang còn có vụ án Hàn Đức Long có cơ sở oan sai rõ ràng mà bị cáo và gia đình cũng đã liên tục kêu oan tròn 9 năm nay.

Chiếc xe không phanh

Các cơ quan tiến hành tố tụng tham gia giải quyết một vụ án hình sự gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Khởi điểm của một vụ án hình sự là hoạt động điều tra, oan hay không cơ bản cũng xuất phát từ cơ quan này. Để đảm bảo hoạt động điều tra đúng pháp luật tránh nhầm lẫn sai sót, luật đã quy định Viện kiểm sát là cơ quan giám sát hoạt động điều tra.
Viện kiểm sát có vai trò kiểm sát điều tra, mối quan hệ giữa hai cơ quan là cân bằng và kiểm soát. Vai trò của viện kiểm sát giống như vai trò của chiếc phanh hãm, giúp cho hoạt động điều tra dừng lại trước sai sót.
Nhưng thực tế lâu nay, vì nhiều lý do khác nhau viện kiểm sát đã không làm tốt vai trò kiểm soát ngăn chặn của mình.
Vô hình chung, vì những lý do không có gì liên quan đến công tác chuyên môn mà chỉ do các vấn đề đời sống thường nhật đã làm vô hiệu hóa mối quan hệ cân bằng kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, vai trò của chiếc phanh hãm bị mất tác dụng.

Quyền tư pháp yếu

Quốc hội đã chọn chuyên đề giám sát oan sai trong tố tụng hình sự, dù sao cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều trường hợp kêu oan được minh oan.
Tuy nhiên tình trạng oan sai không thể được giải quyết chỉ trong một kỳ họp quốc hội, do vậy cần đưa ra được các chính sách mới để tạo hiệu quả lâu dài.
Một giải pháp là cần nâng vị thế chính trị của Viện kiểm sát và Tòa án lên bằng việc để Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao làm ủy viên Bộ chính trị. Ở địa phương thì nâng Viện trưởng viện kiểm sát và Chánh án tòa án lên thành Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, huyện ủy thay vì ủy viên thường như hiện nay.
Hoặc như ở nước Pháp vừa đây đã tạm giữ để thẩm vấn cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và điều tra về hành vi lạm dụng ảnh hưởng khi còn đương nhiệm. Hay như nước láng giềng Philippines năm 2012 đã bắt cựu bà Arroyo là cựu Tổng thống từ năm 2001 đến 2010.

Vai trò của thiết chế giám sát

Muốn giảm tránh sai sót oan sai thì phải tăng cường giám sát và củng cố các thiết chế giám sát. Đặc biệt là cần khai phóng tiềm năng hoạt động của thiết chế Hội đồng nhân dân, đây là một kho năng lượng vô cùng to lớn mà bấy lâu nay đã bị làm cho suy yếu lãng phí.
Lâu nay đại biểu hội đồng nhân dân hầu hết hoạt động kiêm nhiệm vì vậy thiết chế này bị suy yếu rất nhiều so với tiềm năng. Nếu đại biểu hội đồng nhân dân được hoạt động chuyên nghiệp sẽ tạo áp lực giám sát mạnh mẽ lên các thiết chế chính quyền, thúc đẩy hiệu năng của các cơ quan này, giúp giải quyết tốt các vấn đề đời sống xã hội trong đó bao gồm cả tình trạng oan sai.
Ngoài ra điều này sẽ giúp giảm tải áp lực công việc cho Quốc hội và các cơ quan tư pháp trung ương. Lâu nay hầu như không thấy trường hợp kêu oan nào gửi đơn kêu cứu nhờ giúp đỡ tới đại biểu hội đồng nhân dân.
Chính quyền cần giúp đỡ tổ chức luật sư lớn mạnh, ủng hộ việc nâng cao các tiêu chí tổ chức hoạt động của hội luật sư. Ủng hộ việc bầu cử phải dân chủ minh bạch không áp đặt về nhân sự. Ủng hộ nguyên tắc những người giữ vai trò lãnh đạo phải là những người có thâm niên kinh nghiệm hành nghề, có uy tín trong giới luật sư, có tâm huyết với nghề nghiệp.
Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập năm 2009 là tổ chức ở cấp độ toàn quốc của giới luật sư Việt Nam, trước đó mấy nghìn luật sư hoạt động theo các đoàn luật sư mỗi tỉnh..
Ngay khi thành lập năm 2009, chính quyền đã cơ cấu để mấy người hầu như chưa bao giờ hành nghề luật sư lại đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư cả nước, đứng trên cả những luật sư với mấy chục năm kinh nghiệm hành nghề.
Đó thực sự là việc làm coi thường thiếu tôn trọng của chính quyền đối với giới luật sư. Nó khiến cho nhiều luật sư cũng tự hạ thấp mình khi cam chịu chấp nhận sự trái ngang đó.
Việc làm áp đặt của chính quyền gây hại cho cả giới luật sư và xã hội. Đối với giới luật sư thì những người chưa từng nhỏ một giọt mồ hôi lên các trang tài liệu hồ sơ, chưa từng khóc thầm khi chứng kiến những trái ngang của cơ chế thì không có được khả năng vạch đường tìm lối để nghề luật sư phát triển.
Đối với xã hội thì do thiếu chuyên môn và trình độ cho nên đứng trước các vấn đề pháp lý nổi cộm trong đời sống xã hội, rất hiếm khi thấy có tiếng nói của những người đứng đầu tổ chức luật sư.
Tổ chức luật sư thực sự là một thiết chế giám sát giúp giảm tránh oan sai. Nếu giới luật sư được chính quyền tôn trọng sẽ giúp cho hội luật sư phát triển, từ đó nâng cao vị thế của thiết chế luật sư bên cạnh các thiết chế tư pháp khác, góp phần vào việc xử lý tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong của trưởng văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự ở thành phố Nam Định.
nguồn : http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/07/140714_le_ngoc_trai_vn_oan_sai.shtml?ocid=socialflow_facebook