Tin đồn là một dạng sử dụng quyền tự do ngôn luận để phản ánh một thông tin chưa được kiểm chứng. Tin đồn có thể đúng hoặc sai. Và có vô số nguyên nhân tiêu cực hoặc tích cực gây ra tin đồn. Xã hội nào cũng có tin đồn, tùy vào văn minh, dân trí của xã hội đó mà sức đề kháng của xã hội với tin đồn cũng khác nhau.
Ở một xã hội mà thông tin tự do và quyền được bày tỏ ý kiến càng được bảo vệ thì tin đồn càng trở nên ít có ảnh hưởng. Khi mà mọi thông tin trái chiều đều được bày ra trước ánh sáng thì việc kiểm chứng nó sẽ dễ dàng, thông tin được sàng lọc thì những tin đồn sai sự thật sẽ nhanh chóng bị tẩy chay và nhanh phi vào sọt rác.
Một xã hội thông tin càng phong phú, đa chiều thì con người ta càng tăng cường năng lực lọc tin và phát triển năng lực duy lý, về mặt đạo đức xã hội chữ TÍN sẽ càng được đề cao, trọng thị. Trong xã hội tự do thông tin đó, những tổ chức và cá nhân sẽ cẩn trọng gìn giữ thương hiệu, danh dự thông qua việc phát ngôn, biểu đạt. Không có gì lạ, khi thông tin càng phong phú, càng dễ dàng, minh bạch từ trên xuống dưới thì người ta lại càng khó bị hoang mang với tin đồn, khi đó người ta chỉ tin vào những nguồn có cơ sở khoa học, đảm bảo uy tín.
Ở những xã hội tự do thông tin, trong mọi hoạt động giao tiếp xã hội, mọi lĩnh vực giáo dục, y tế, kinh doanh, chính trị…người ta hoạt động dựa trên việc gìn giữ chữ TÍN. Cách để tiêu diệt và hạn chế tác hại của tin đồn sai sự thật là khai dân trí, xây dựng một xã hội tự do thông tin. Thật vậy, trong những xã hội dân trí thấp, thông tin bị kiểm soát, người ta càng đói thông tin, khát sự thật, tin đồn lại càng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Vừa rồi xuất hiện tin đồn về dịch bệnh Ebola đã đến VN tại BV Bạch Mai từ cặp vợ chồng chị Đỗ Thùy Linh và anh Vương Bá Huy ở Hà Nội. Phòng Cảnh sát hình sự HN đã vào cuộc để xử lý, cho rằng tin đồn này “gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nhà nước và hoạt động khám chữa bệnh của BV Bạch Mai”. Nhiều người ủng hộ.
Ý kiến chủ quan tôi cho rằng khi pháp luật đã can thiệp thì cần có quy trình chặt chẽ hơn để kiểm soát mà không gây sức ép lên các quyền tự do ngôn luận của con người. Việc xử lý “tin đồn” của cơ quan an ninh như vậy bên cạnh cái lợi hạn chế ảnh hưởng xấu của tin đồn nhảm đến an sinh xã hội đồng thời cũng kéo theo sẽ hạn chế quyền biểu đạt ý kiến, làm cho người dân không dám phát ngôn khi họ chưa trực tiếp kiểm chứng được thông tin. Điều này lợi bất cập hại. Đặc biệt ở các thể chế toàn trị trên thế giới thì sự ủy quyền của dân cho nhà nước nhằm kiểm soát ngôn luận là vũ khí của chính quyền để khi cần họ lợi dụng triệt để nhằm ém nhẹm, che giấu, lèo lái thông tin phục vụ cho mục tiêu chính trị. Lịch sử đã có nhiều bài học (Đại nhảy vọt của Trung Quốc, giai đoạn trì trệ Liên Xô, những đối lập trong xã hội Triều Tiên… ).
Có người sẽ hỏi vậy chẳng lẽ tự do ngôn luận là để cho ai muốn nói gì thì nói, những tin đồn thất thật thoải mái hoạt động gây hại cho xã hội? Tất nhiên là không đơn giản như vậy. Tự do ngôn luận là quyền, đi với quyền phải có nghĩa vụ. Khi anh sử dụng quyền của anh gây thiệt hại đến danh dự, quyền lợi của đối tượng khác thì anh phải chịu chế tài. Tin đồn sai gây thiệt hại xã hội cũng phải bị pháp luật chế tài là hợp lý.
Khi một tin đồn sai sự thật bị phanh phui thì uy tín hoặc danh dự của người tung tin đồn bị ảnh hưởng trực tiếp. Đó là một thiệt hại về mặt vốn xã hội của cá nhân đó. Về mặt pháp luật, việc bị chế tài phải tuân thủ những nguyên tắc cụ thể chặt chẽ cũng như cần phải làm rõ: động cơ của người tung tin đồn, xác định cụ thể đối tượng bị thiệt hại, tương ứng xác định mức độ thiệt hại, nguyện vọng của đối tượng bị thiệt hại…trên cơ sở đó mới chế tài được.
Với kết luận “gây hoang mang, ảnh hưởng” một cách chung chung, Đại tá Dương Trọng Giáp (Trưởng phòng PC45 Công an Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng thống nhất xử lý hành chính vợ chồng Linh do đưa tin thất thiệt, trong khi đó hậu quả của sai phạm này được cho là "chưa có". Trong trường hợp này 2 vợ chồng chị Linh đăng tin nhằm mục đích cảnh báo cộng đồng, họ còn hướng dẫn cụ thể cách phòng tránh dịch. Tuy nhiên với cách đưa tin dựa trên suy đoán chủ quan, không có căn cứ xác đáng như vậy, các Hội đoàn dân sự có thể yêu cầu anh chị phải điều chỉnh, cải chính thông tin trên trang face của Hội nuôi con bằng sữa mẹ Việt Nam nơi chị Linh chia sẻ tin. Hoặc Bệnh viện Bạch Mai có thể khởi kiện vợ chồng anh chị Linh nếu họ có thể chứng minh được mức độ thiệt hại cụ thể, xác đáng. Chưa kể, vụ việc tai tiếng của Bộ y tế trong tháng 5 về những phản ứng được cho là chậm chạp, mập mờ với dịch sởi có lẽ cũng gây tác động nào đó trong sự mẫn cảm của xã hội với tin đồn lần này? Ngày 11/8 xuất hiện “tin đồn Ebola”, 12/8 Bộ y tế đã có lời chính thống phản bác thông tin trên, nhanh chóng dập tắt tin đồn, ổn định dư luận. Vậy thì “tin đồn” cũng đâu phải là cái gì ghê gớm khi thông tin được cọ xát? Tôi còn thấy nó có điểm tích cực là thúc đẩy sự tương tác dân sự và các tổ chức chính phủ. Phải nhìn nhận rằng nó chỉ tác oai tác quái được trong một xã hội yếu, dễ bị tổn thương.
Có một thực tế là tin đồn không bao giờ biến mất trong mọi xã hội. Sử dụng google với chữ “tin đồn” thì có 1.430.000 kết quả (0,34 giây). Với “rumors” có 37.800.000 kết quả (0,33 giây).
Vấn đề là làm sao để hạn chế/kiểm soát tác hại của tin đồn thất thật mà vẫn bảo vệ được quyền tự do ngôn luận thì phải giải quyết cái gốc từ xã hội chứ không phải cái ngọn từ chính quyền.
Khi chúng ta xây dựng được một xã hội dân trí cao và tự do thông tin thì tin đồn thoải mái mọc ra rồi lụi tàn mà không thể có khả năng gây hoang mang, thương tổn đối với 1 cộng đồng minh mẫn và có sức đề kháng cao.
Bảo vệ quyền tự do ngôn luận là một cách hữu hiệu để tiêu diệt tin đồn nhảm. Bởi vì chân lí và sự thật thì chỉ có một mà thôi.
nguồn: https://www.facebook.com/anh.lien.5/posts/712081138860902
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét