Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Án tử hình – các lập luận ủng hộ

nguồn: http://luatkhoa.org/2014/12/an-tu-hinh-cac-lap-luan-ung-ho/

Buộc kẻ thủ ác phải đền tội

Sau đây là ba luận điểm cơ bản ủng hộ án tử hình, với lý do “đền tội”:
Tất cả những kẻ có tội đều đáng bị trừng phạt;
Chỉ những kẻ có tội mới đáng bị trừng phạt;
Những kẻ có tội phải bị trừng phạt tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội ác mà họ đã phạm.

Theo đó, công lý đòi hỏi rằng mỗi người đều phải bị trừng phạt vì những sai trái của mình, và bị trừng phạt theo một cách tương xứng với sai trái đó. Mỗi kẻ phạm tội đều phải nhận lấy những gì tương xứng với tội của họ, trong trường hợp phạm tội sát nhân thì cái tương xứng với tội đó là cái chết.

Biện pháp trừng phạt trong mỗi trường hợp cụ thể đều tùy thuộc vào mức độ dã man của tội ác, vào hành vi ứng xử của kẻ phạm tội, và vào tình trạng không được bảo vệ cũng như không thể tự vệ của nạn nhân. Xác lập những hình phạt phù hợp là cách tòa án đáp lại tiếng kêu đòi công lý của xã hội trước bọn tội phạm. Công lý đòi hỏi các tòa án phải áp đặt những hình phạt tương xứng với tội ác, làm sao để các bản án phản ánh được sự phẫn nộ và ghê tởm của công luận đối với tội ác. (Chánh án A.S. Anand và N.P. Singh, Tòa án Tối cao Ấn Độ)

Nhiều người cho rằng các quan điểm trên đây phù hợp với cảm nhận của họ về công lý.

Quan điểm đó cũng được hỗ trợ thêm bởi lập luận “một con mắt đổi một con mắt” [một ý trong Kinh Cựu ước, có thể dịch sang tiếng Việt là “ăn miếng trả miếng” – ND]. Nhưng biện luận như vậy cho thấy người phát biểu hiểu sai hoàn toàn cụm từ gốc trong Kinh Cựu ước. Thật ra, Kinh Cựu ước viết “một con mắt đổi một con mắt” có nghĩa là chỉ kẻ có tội phải bị trừng phạt, và hình phạt đó không được quá khoan dung cũng như không quá hà khắc.

Tác dụng răn đe những kẻ khác

Án tử hình thường được biện hộ bởi luận điểm cho rằng, khi xử tử những kẻ sát nhân, chúng ta sẽ ngăn chặn được những kẻ sát nhân tiềm tàng, để chúng không giết người. Việc răn đe sẽ có hiệu quả nhất nếu hình phạt được tiến hành nhanh chóng sau khi tội ác xảy ra – tương tự như việc một đứa trẻ sẽ biết là không bao giờ nên cho tay vào lửa, bởi vì hậu quả của hành động cho tay vào lửa là bị bỏng ngay lập tức.

Tiến trình tố tụng làm cho hình phạt càng cách xa tội ác – về thời điểm hoặc về độ xác thực – thì tính chất răn đe của hình phạt có thể càng kém đi.

Một số người ủng hộ án tử hình cho rằng hình phạt này có lợi ngay cả khi không còn tác dụng răn đe. Học giả John McAdams, khoa Chính trị học, Đại học Marquette, phát biểu: “Nếu chúng ta xử tử những kẻ sát nhân và điều đó không có tác dụng răn đe trên thực tế, thì cũng là chúng ta đã trừ khử được những kẻ sát nhân. Còn nếu chúng ta không xử tử được chúng, mà việc xử tử lẽ ra đã có thể ngăn chặn nhiều tên sát nhân khác, thì tức là chúng ta đã chấp nhận việc những nạn nhân vô tội có thể bị giết hại. Tôi sẽ muốn mạo hiểm chọn phương án đầu hơn”.

Tác dụng phục hồi nhân phẩm

Tất nhiên, tử hình không thể phục hồi mạng sống của tử tù và trả tử tù về lại xã hội. Nhưng có nhiều ví dụ về việc những người bị kết án tử hình đã tận dụng khoảng thời gian còn lại trong đời để ăn năn hối cải, và họ thường trải nghiệm những khoảnh khắc tâm linh rất sâu sắc.

Nhà triết học, thần học thời Trung cổ Thomas Aquinas [phiên âm trong tiếng Việt là Tô-mát Đa-canh, theo tiếng Pháp Thomas d’Aquin – ND] cho rằng khi chấp nhận hình phạt tử hình là khi kẻ phạm tội đã chuộc được tội lỗi của mình và nhờ đó sẽ thoát bị trừng phạt ở kiếp sau.

Ngăn chặn tái phạm

Một điều chắc chắn là những người bị tử hình sẽ không thể phạm tội thêm nữa. Giả sử kẻ phạm tội bị kết án chung thân chẳng hạn, kẻ đó không còn nguy hiểm với cộng đồng, nhưng lại vẫn là một mối nguy hiểm đối với quản giáo và các bạn tù. Hình phạt tử hình sẽ chấm dứt vĩnh viễn mối đe dọa đó.

Khép lại quá khứ đau đớn

Người ủng hộ thường cho rằng án tử hình chấm dứt mọi dằn vặt của gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, đây là một lập luận khá yếu, bởi lẽ mỗi gia đình thường có cách phản ứng khác nhau. Một số gia đình không thấy việc có thêm một người chết nữa có thể khép lại tất cả; do đó lập luận này không biện hộ được cho án tử hình.

Giúp đỡ cảnh sát điều tra

Thành khẩn hợp tác và hưởng khoan hồng là một cơ chế thường được sử dụng ở nhiều nước. Đó là một cơ chế cho phép giảm án cho kẻ phạm tội nếu hắn chịu hợp tác với cảnh sát. Nếu hình phạt có thể lên đến mức tử hình, thì tử tù có động cơ rất mạnh để xin được giảm án, thậm chí chỉ cần xuống chung thân và vĩnh viễn không ân xá cũng được. Do đó, có thể nói rằng án tử hình là một công cụ hữu ích đối với công an, cảnh sát điều tra.

Đây là một lập luận rất yếu, cũng tương tự như lập luận cho rằng tra tấn là việc có thể chấp nhận được vì nó là công cụ hữu hiệu của công an, cảnh sát.

Quan điểm của Nhật Bản

Nhật Bản hiếm khi dùng đến tử hình, mỗi năm thi hành án với khoảng 3 người.

Một số nhà tâm lý Nhật Bản đã đưa ra một lý lẽ cực kỳ độc đáo để biện hộ cho việc duy trì án tử hình, đó là: Án tử hình có một vai trò tâm lý quan trọng trong cuộc sống của dân chúng Nhật – những người vốn dĩ sống trong stress và áp lực công việc triền miên. Án tử hình củng cố niềm tin rằng điều xấu sẽ đến với những kẻ đáng phải chịu điều xấu; và đồng thời cũng làm mạnh thêm niềm tin ngược lại rằng những gì tốt đẹp sẽ đến với “người tốt”.

Theo cách đó, án tử hình cần thiết, vì nó cho người ta một sự giải thoát về tâm lý khỏi cái đơn điệu, nhàm chán và quá tải trong công việc, cho người ta hy vọng rằng phấn đấu, nỗ lực rồi sẽ được tưởng thưởng.

Điều kỳ quặc là lập luận này có vẻ lại được nhiều người Nhật tán đồng. Thống kê chính thức cho thấy có tới 81% dân số ủng hộ quan điểm trên. Nó đưa đến một ý kiến nữa: Nếu xử tử một vài người mà làm gia tăng tổng thể hạnh phúc của nhiều người, thì đó là việc tốt.

Tuy nhiên, cũng có một phong trào phản đối án tử hình, dù còn nhỏ nhưng ngày càng lớn tiếng hơn ở Nhật Bản.

Lược dịch từ tài liệu của BBC, Ethics Guide: Arguments in favor of Capital Punishment

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét