Trong lịch sử của nhân loại, nhà nước được hình thành cách đây khoảng hơn 5.000 năm, nhưng bộ máy nhà nước được phân quyền mới chỉ được thiết lập cách đây khoảng gần 300 năm, kể từ khi có cách mạng tư sản. Cần phải khẳng định rằng trong những đóng góp cho sự phát triển nhân loại của nền dân chủ tư sản là việc hình thành một loại cơ quan xét xử đứng độc lập với các cơ quan nhà nước khác.
Việc tòa án có vai trò độc lập với các ngành quyền lực còn lại là điều quan trọng nhất của một nhà nước dân chủ. Hiện nay ở hầu hết các quốc gia trên thế giới người ta đều dựa vào tư pháp để giải thích pháp luật và để buộc hai ngành kia phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như phải tuân thủ các điều khoản của Hiến pháp. Ý nghĩa của nguyên tắc này nằm ở mục đích để cho tòa án có khả năng phán xét công bằng mọi tranh chấp trong xã hội. Một nền dân chủ không thể có cơ sở tồn tại nếu hệ thống tư pháp đối xử không công bằng với các chủ thể trong xã hội; một quốc gia khó có thể ổn định và phát triển thịnh vượng nếu không có một hệ thống cơ quan tài phán độc lập với hai nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp.
Nội dung của nguyên tắc tư pháp độc lập được thể hiện tập trung ở ba khía cạnh: (i) Tòa án phải độc lập về mặt thể chế, nghĩa là phải có hệ thống tổ chức và với những quy chế hoạt động riêng không trùng và không giống với hành pháp và lập pháp; (ii) Tòa án phải có hành chính nội bộ riêng; (iii) Quyết định của tòa án không bị sự can thiệp của các chủ thể khác trong xã hội. Phạm vi xét xử của tòa án không chỉ bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật của thường dân, mà còn cả các hành vi của các quan chức nhà nước, thậm chí cả cơ quan nhà nước. Càng về sau này, các quan chức càng phải chịu trách nhiệm vì những hoạt động vi phạm pháp luật của mình, chịu những sự phán quyết của toà án tương xứng với những hành vi vi phạm pháp luật của họ. Thêm vào đó, việc xét xử của toà án không chỉ bao hàm các hoạt động thi hành pháp luật, mà với sự phát triển ngày càng cao của dân chủ, toà án còn xem xét cả những hoạt động ban hành các văn bản luật.
Để hoạt động xét xử của toà án có hiệu quả, các nhà cai trị cần phải tuân thủ pháp luật. Hệ thống tư pháp - toà án cần phải có những quyết định phân xử đúng sai đối với cả các quyết định của các quan chức nhà nước, nhằm chống lại những quyết định tuỳ tiện của họ. Việc buộc các nhà cai trị phải chấp hành pháp luật là một cuộc đấu tranh dai dẳng vì sự tiến bộ của dân chủ.
Tòa án độc lập tức là thẩm phán phải độc lập. Muốn cho thẩm phán độc lập, trước tiên thẩm phán phải có đủ năng lực và phải đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc thẩm phán không đủ năng lực và điều kiện làm việc cũng là nguyên nhân khiến dẫn đến sự phụ thuộc của họ vào các nhánh quyền lực khác. Để làm được việc này, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định như nhiệm kỳ phải lâu dài, cũng như lương bổng của thẩm phán phải bảo đảm, thẩm phán không được tham gia các đảng phái chính trị cũng như không được tham gia xét xử những vụ việc liên quan đến bản thân, gia đình mình...
Trong một nhà nước pháp quyền cần phải có sự phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng tư pháp vẫn là cành quyền lực độc lập hơn cả.
bài viết đã được chỉnh sửa lai: bản gốc :http://vienkhpl.ac.vn/index.php?cid=693 //đã bị xóa
http://vienkhpl.ac.vn/includes/print.php?cid=693
http://vnclp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/NhaNuocVaPhapLuat/View_detail.aspx?ItemID=187
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét