Lịch sử nhân loại chưa bao giờ chứng kiến nhiều người giàu có trên khắp thế giới như ngày nay, nhưng dường như chúng ta vẫn không thể có được cuộc sống hạnh phúc hơn.
Có nhiều lý thuyết nói về điều gì tạo nên ‘hạnh phúc’, nhưng đều có điểm chung cho rằng hạnh phúc là một cảm xúc tích cực có được từ những hành vi thăng hoa của chúng ta giúp cuộc sống thành công, nhờ vậy mới có thể tồn tại. Ví dụ, chúng ta thường hạnh phúc nhất khi ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc, và cảm giác gần gũi nhau. Vì vậy, không ngạc nhiên khi chính hành vi có hại cho bản thân và môi trường lại ngày càng giảm trạng thái hạnh phúc của chúng ta, và ngược lại. Điều tốt là, nếu chúng ta có thể nhận biết được mấu chốt thoả mãn sự ổn định và điều tốt đẹp, chúng ta sẽ dễ dàng tạo ra hạnh phúc cho mình hơn. Dưới đây là 10 cách đơn giản để hạnh phúc hơn. Và bạn biết không, chúng đều vô cùng thân thiện với môi trường! Hãy đọc qua các con số để hiểu về 10 cách giúp bạn nâng cao hạnh phúc. Tất nhiên, chúng đều dựa trên cơ sở khoa học.
1. Sống tại địa phương
“Kẻ dại tìm kiếm hạnh phúc ở nơi xa; Người khôn vun đắp hạnh phúc dưới chân mình” - James Oppenheim
Giao thông vận tải nói chung và ô tô nói riêng được kỳ vọng sẽ mang lại một kỷ nguyên mới cho tự do cá nhân. Tuy nhiên, cách thức chúng ta tái cơ cấu xung quanh ô tô và xe hơi lại đưa đến một loạt những vấn đề xã hội không lường trước được.
Ô tô gây ra ô nhiễm, tiếng ồn, căng thẳng, tắc nghẽn, sự tan rã của cộng đồng địa phương và mở rộng đô thị, cũng như chứng béo phì, các vấn đề hô hấp, và các vụ tai nạn giao thông. Bằng cách tiết kiệm thời gian đi lại trong ngày, con người sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình và các hoạt động giải trí; họ cũng được an toàn hơn, tận hưởng bầu không khí thành phố trong lành hơn, khỏe mạnh hơn, và cũng hạnh phúc hơn.
‘Sống địa phương’ không chỉ là giảm sử dụng việc vận chuyển vận tải. Nếu không thể đi lại, bạn vẫn có thể tiêu dùng các sản phẩm địa phương nhiều hơn. Điều này sẽ đóng góp vào hạnh phúc theo nhiều cách: trẻ em lớn lên với sự hiểu biết hơn về cách trồng trọt thực phẩm, thực phẩm tươi ngon hơn, và chuỗi cung ứng thức ăn địa phương có thể phát triển.
Mua sắm tại địa phương cũng giúp bạn giao tiếp thường xuyên hơn với những người ở nơi bạn sống. Và tất nhiên, mối quan hệ giữa người với người có tương quan quan trọng nhất với hạnh phúc của con người. Kể từ những năm 1950, các xã hội hiện đại đã bị phân tán và quan hệ cộng đồng cũng tan rã. Đây là một lý do mà hạnh phúc giảm sút.
Nhưng tin vui là, bạn càng sống ở một vùng miền, bạn sẽ càng hiểu hơn về những quán xá, công ty, tổ chức, và hàng xóm láng giềng – và xây dựng mối quan hệ với họ sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn.
2. Luôn hoạt động!
“Hạnh phúc bao gồm hoạt động. Nó là dòng nước chảy không ngừng, chứ không phải một chiếc hồ tù đọng” – Oliver Wendell Holmes
Quan điểm cho rằng”‘tập thể dục đều đặn là một phần quan trọng để duy trì sức khỏe và tinh thần” đã tồn tại ít nhất một thập kỷ. Đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng thay cho ô tô và xe hơi có thể mang lại lợi ích sức khỏe gấp đôi, bởi nó yêu cầu có hoạt động thể chất và giảm những hậu quả sức khỏe bất lợi của việc vận chuyển bằng xe cơ giới.
Ngày nay, việc vận chuyển tích cực là quan trọng hơn bao giờ hết, bởi căn bệnh béo phì đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Hầu hết những người trưởng thành ở Anh đều bị thừa cân, thống kê trong tổng số 8 triệu người thì có tỷ lệ 1 phần năm số người bị béo phì. Ở mức độ toàn cầu, căn bệnh bép phì đã tăng gần gấp ba trong 20 năm qua.
Những nguyên nhân có khả năng nhất chính là lối sống ít vận động ngày một gia tăng, kèm theo thay đổi trong khẩu phần ăn – người ta có xu hướng ăn một mình và thất thường, chứ không tham gia cùng gia đình hoặc bạn bè ba bữa một ngày. Cuối cùng, điều này lại ảnh hưởng đến ‘hạnh phúc’: những người béo phì dễ bị trầm cảm hơn; nhiều nghiên cứu về hạnh phúc cũng chỉ ra rằng những người năng động có tinh thần lạc quan hơn, tự trọng hơn, và cũng tự tin hơn về khả năng thực hiện các công việc vận động, cùng với đó là hoạt động trí não tốt hơn.
3. Gần gũi với thiên nhiên
“Nếu muốn hạnh phúc trong một giờ, hãy say xỉn;
Nếu muốn hạnh phúc trong ba ngày, hãy kết hôn;
Nếu muốn hạnh phúc mãi mãi, hãy làm vườn” – Ngạn ngữ Trung Quốc
Thuyết về sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên (The Biophilia Hypothesis) của nhà sinh học xã hội Edward O Wilson cho rằng, con người có xu hướng tự nhiên là tập trung vào các quá trình sống và như cuộc-sống. Tuy nhiên, các cách sống hiện đại như trong nền văn hóa công nghiệp hóa của Tây phương lại hoàn toàn trái ngược với lịch sử trước đây của chúng ta, vì vậy nó đối lập với hạnh phúc.
Bước ra ngoài và hòa mình với thiên nhiên sẽ mang lại niềm vui cho chúng ta và hướng sự chú ý của chúng ta ra khỏi những của cải vật chất. Điều này giúp ta tránh khỏi cảm giác bất an và tự kỷ – một ‘sản phẩm phụ’ của thời đại tiêu dùng cá nhân này.
Vì vậy, bạn có thể làm gì nếu sống nơi thành thị và không thể tưởng tượng được khi đến vùng nông thôn? Hãy chăm sóc một khu vườn, trồng cây trong những chiếc hộp nhỏ, đến thăm công viên gần nhà, và tận hưởng vẻ đẹp của cỏ cây hoa lá. Cuối tuần, hãy đến thăm vùng nông thôn, bước đi với đôi chân trần trên cỏ, treo những hộp chim ăn trên ban công… khả năng tận hưởng thiên nhiên là vô tận, và sẽ có lợi cho tinh thần của bạn.
4. Giới hạn lựa chọn
“Còn gì tao nhã hơn khi có một vài mong muốn và tự mình phục vụ chúng?” - Ralph Waldo Emerson
Việc mở rộng chủ nghĩa tư bản Tây phương đã cho chúng ta hiểu được “bí mật của chọn lựa” – nó giả định rằng khi chúng ta càng có nhiều lựa chọn trong việc ăn mặc, mua sắm, hoạt động, thì chúng ta càng giàu có và sung túc hơn. Tuy nhiên, như đã minh họa trong chương trình TED Talk, sự gia tăng chọn lựa này thực tế lại là điều phức tạp. Có một vài lựa chọn là tốt; nhưng có quá nhiều lựa chọn lại khiến chúng ta bối rối và lo lắng. Đối với những ai quan tâm đến môi trường, sự lựa chọn được giảm đi đáng kể, mang lại cho họ cảm giác nhẹ nhõm, và niềm hạnh phúc với nhận thức rằng họ đang đưa ra những lựa chọn tốt nhất có thể trong điều kiện của mình. Những người này sẽ ít mua sắm, ăn uống, làm việc có đạo đức, và đi lại có trách nhiệm – những lựa chọn này đều dễ dàng thực hiện. Đưa ra quyết định dựa trên một nguyên tắc cao hơn chính là giải phóng và giúp bạn thỏa mãn.
5. Trân trọng những gì mình có
‘Affluenza’, tạm hiểu là ‘bệnh giàu có’, là một thuật ngữ để chỉ việc luôn luôn muốn thỏa mãn nhiều hơn nữa. Khi xã hội càng dư dả, thì căn bệnh này lại càng trầm trọng hơn. ‘Hedonistic treadmill’ (vòng xoáy khoái lạc) nghĩa là, những ai mắc phải sẽ không bao giờ hạnh phúc với tài sản hay tiền bạc của mình. Họ thích nghi và cần nhiều hơn nữa. Trạng thái lo lắng sẽ bắt nhốt họ trong cuộc cạnh tranh bất tận với những người bạn đồng trang lứa trong một cuộc đua bất phân thắng bại. Bác sĩ tâm lý hàng đầu của Pháp là Francois Lelord đã gây sốt với cuốn sách của mình mang tên “Hector và hành trình thú vị đi tìm hạnh phúc”. Ông viết: “Tại các nước Tây phương, sự giàu có vật chất đã tăng lên gấp ba lần, nhưng mức độ hài lòng với cuộc sống lại không hề tăng… Ở phương Tây, chúng ta sống trong nỗi sợ mất đi mọi thứ; dù rõ ràng ta có nhiều tự do và lựa chọn hơn, nhưng điều đó lại gia tăng mối lo sợ trong ta”. Trong một bài phỏng vấn với tạp chí Times, Francois đề cập đến ba nhu cầu thiết yếu mà chúng ta cần có để hạnh phúc: cảm thấy hữu ích và được mọi người biết đến; có bạn bè; và có hứng thú với cuộc sống. Nhưng không một yếu tố nào có thể mua được bằng tiền. Những ai thực sự trân trọng những gì mình có và thấy của cải vật chất chỉ là một ảo tưởng về dư dả chắc chắn đều là những người hạnh phúc nhất.
6. Tìm thấy sở thích
“Chúng ta hành động như thể thoải mái và xa hoa là những yêu cầu lèo lái trong cuộc sống, trong khi tất cả những gì chúng ta cần để thực sự hạnh phúc chỉ là điều gì đó mà ta đam mê” – Charles Kingsley
Sở thích có thể mang lại hạnh phúc cho chúng ta theo nhiều cách: đầu tiên, nó cho phép chúng ta được sáng tạo nếu sở thích của bạn là viết lách, hội họa, hoặc một điều gì đó cần đến khía cạnh nghệ sĩ của bạn. Bất cứ một sở thích nào cũng có thể mang lại cảm giác êm đềm, thư thái, gần với trạng thái thiền định, đặc biệt là khi chúng ta say mê quên thời gian và cảm giác như được thoát khỏi mọi áp lực trong cuộc sống.
7. Phát triển bản thân
“Niềm vui là một bông hoa khoe sắc khi bạn làm” – Anon
Năm 1943, Abraham Maslow đã đưa ra học thuyết có sức ảnh hưởng mạnh mẽ của ông – Tháp Nhu cầu.
Những mức thấp nhất là nhu cầu sinh lý được gọi là “nhu cầu thiết yếu”. Khi được đáp ứng sẽ xuất hiện mức độ nhu cầu cao hơn, và người đó sẽ di chuyển lên tầng trên của kim tự tháp. Mức cao hơn này được gọi là “nhu cầu phát triển” và gắn liền với nhu cầu tâm lý. Trong khi những nhu cầu thiết yếu cơ bản là phải được đáp ứng, nhu cầu phát triển là định hình hành vi của chúng ta. Sự phát triển cá nhân tạo ra chuyển động lên phía trên của kim tự tháp.
Maslow đã nghiên cứu những nhân vật tiêu biểu, như: Albert Einstein, Jane Addams, Eleanor Roosevelt, và Frederick Douglass. Chúng ta có lẽ cho rằng họ đều đạt tới đỉnh kim tự tháp. Những nhân vật này có một số đặc điểm chung:
- Họ chấp nhận sự thật và thực tế về thế giới (gồm cả chính bản thân họ) hơn là phủ nhận hoặc trốn tránh nó.
- Họ đều sáng tạo.
- Họ thích giải quyết vấn đề. Điều này thường bao gồm cả những vấn đề của người khác.
- Họ cảm thấy gần gũi với mọi người và nói chung là trân trọng cuộc sống.
- Họ có môt hệ thống đạo đức hoàn toàn nội tại và độc lập với lực lượng bên ngoài
- Họ nhìn nhận người khác mà không mang theo thành kiến, theo cách được hiểu là khách quan.
Nói tóm lại, những người hạnh phúc nhất đã sống theo cách chỉ cần đáp ứng những nhu cầu ở mức độ thấp hơn, và giờ họ đang chuyển hướng chú ý và năng lực sáng tạo sang những điều thực sự khiến họ thỏa mãn và hạnh phúc. Tại sao chúng ta không thể trở thành một người như vậy?
8. Hòa mình vào xã hội
“Nếu muốn người khác hạnh phúc, hãy từ bi. Nếu muốn bản thân hạnh phúc, hãy từ bi” - Đạt Lai Lạt Ma
Bạn có biết rằng không duy trì liên hệ vói bạn bè và gia đình chính là một trong 5 điều đáng tiếc nhất trước khi chết – Vì vậy đừng khiến bản thân mình phải hối hận! Hãy dành thời gian với những người bạn yêu thương và quan tâm – đó là một điều bạn sẽ không tiếc nuối.
Hạnh phúc cũng có thể đến từ việc dành thời gian với những người xa lạ. Nếu bạn giúp đỡ họ, đó sẽ là món quà gấp đôi: nhà nghiên cứu Shawn Achor đã học được rằng, những ai dành khoảng 2 giờ mỗi tuần giúp đỡ người khác sẽ được xếp hạng là một trong những người hạnh phúc nhất trên thế giới. Điều này được hậu thuẫn bởi một nghiên cứu về hoạt động tình nguyện ở Đức. Nghiên cứu cho thấy rằng những ai giúp đỡ người khác trong các trại dưỡng lão hoặc vườn trẻ trở nên chán nản hơn khi mất đi cơ hội được giúp đỡ.
Khi giao tiếp xã hội, hãy chắc chắn rằng đây là niềm vui đích thực. Hãy ở bên cạnh những người mà bạn thực sự yêu mến và những người bạn sẵn sàng làm bất cứ điều gì, không chỉ là những ai bạn cho rằng có thể giúp bạn trong sự nghiệp, hay những ai bạn cần được chấp thuận – đó chỉ khiến bạn lo lắng thêm thôi.
Khi ra ngoài gặp gỡ những người bạn yêu mến, đừng quên mang theo ví: Trong cuốn sách của Achor, ông đã lưu ý rằng khi được phỏng vấn, những người từng tiêu tiền cho các hoạt động cùng người khác, như là đi xem hòa nhạc, tham dự các buổi biểu diễn, hoặc dùng bữa tối với bạn bè, đều hạnh phúc hơn những người dùng tiền cho việc mua sắm đồ đạc cho bản thân, như là đồng hồ, giày dép, hoặc đồ điện tử
9. Thân thiện với động vật
Nuôi thú cưng sẽ không chỉ cho bạn cảm hứng ra ngoài trời, mà còn giúp bạn có thể rèn luyện thể dục (nếu bạn có một chú chó); nó cũng có thể là cách khởi đầu câu chuyện với những người lạ, nhờ đó gắn kết bạn với mọi người.
Thú nuôi có thể mang lại lợi ích sức khỏe nữa. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã gắn việc sở hữu thú cưng, đặc biệt là chó, với việc giảm nguy cơ các bệnh tim mạch và có tuổi thọ cao hơn.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng chủ vật nuôi ít có khả năng trầm cảm hơn những người không nuôi động vật trong nhà, và họ cũng có mức độ chất serotonin và dopamine cao hơn (đây là các loại hóc môn cho bạn cảm giác dễ chịu).
Một lý do để tin rằng động vật giúp chúng ta hạnh phúc, chính là, chúng đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người – “được vuốt ve”. Thậm chí cả những tù nhân cũng thay đổi hành vi khi tiếp xúc với động vật, và nhiều người trong số đó đã có thiện cảm ngay lần đầu tiên tiếp xúc.
Thậm chí nếu bạn không thể nuôi động vật, hãy ra ngoài và cho chim ăn, hoặc ngắm nhìn các chú cá trong hồ. Điều ấy sẽ giúp bạn thêm hạnh phúc và bớt âu lo. Đó là lý do tại sao nhiều nha sĩ trang trí trong phòng làm việc với bể cá cảnh. Hiện nay cũng xuất hiện nhiều “quán cà phê mèo”, nơi bạn có thể chơi đùa với những chú mèo đáng yêu trong khi nhấm nháp một tách trà. Và hơn hết, bạn đang tận hưởng niềm hạnh phúc lớn hơn.
10. An lạc tinh thần
“Con người là một phần của chỉnh thể mà chúng ta gọi là “vũ trụ’”.. Chúng ta cảm nhận chính mình, suy nghĩ của chúng ta, cảm giác của chúng ta như là một thứ gì đó tách biệt khỏi phần còn lại. Một loại ảo giác quang học của ý thức. Ảo giác này chính là một loại nhà tù đối với chúng ta, giới hạn chúng ta trong những ham muốn cá nhân và trong những tình cảm dành cho một vài cá nhân gần gũi với ta nhất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải phóng bản thân khỏi cái nhà tù này bằng cách mở rộng vòng tròn của chúng ta về lòng từ bi để đón nhận tất cả mọi sinh linh và toàn bộ tự nhiên trong vẻ đẹp của nó. Giá trị đích thực của con người được quyết định bởi các biện pháp và ý nghĩa mà nhờ đó họ đạt được tự do khỏi bản ngã. Chúng ta nên thay đổi hoàn toàn tư duy của con người để có thể tồn tại” –Albert Einstein
Một cách thoát khỏi cái hỗn loạn của xã hội hiện đại và tái kết nối với vị trí của chúng ta trong vũ trụ là thực hành thiền định. Nghĩa là xóa bỏ mọi ý nghĩ và bình tâm lại. Đã có nhiều minh chứng rằng thiền định chính là cách hiệu quả nhất để sống hạnh phúc.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong những phút giây ngay sau khi thiền định, chúng ta sẽ trải qua cảm giác tĩnh tại và mãn nguyện, cũng như là nâng cao nhận thức và sự đồng cảm trong ta. Và nghiên cứu cũng cho thấy điều này có thể tiếp tục vô hạn định. Thiền định thường xuyên sẽ không ngừng điều chỉnh não bộ để tăng mức độ hạnh phúc. Người ta cho rằng thiền định là việc khó thực hiện, nhưng thực tế nó lại rất dễ dàng.
Bài viết được công bố lần đầu trên tạp chí Eluxe Magazine.
http://vietdaikynguyen.com/v3/14925-10-cach-de-hanh-phuc-hon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét