Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Không nên nói với con…

(Dân trí) - 1.” Con lười/ dốt/ ngớ ngẩn/ ích kỷ… quá!”: Bạn rất dễ buông lời như vậy trong lúc cáu giận nhất thời, nhưng những lời bạn nói có thể để lại hậu quả lâu dài cho trẻ.
Đứa trẻ càng nghe nhiều sẽ càng nghĩ nó thực sự “xấu” như vậy và không cần phải cố gắng chứng minh điều ngược lại.

2. “Bố/ mẹ thất vọng vì con”
Đây là câu nói “chết người”, đặc biệt là đối với một đứa trẻ. Dù không rõ ràng, nhưng đứa trẻ nào cũng muốn được cha mẹ khen ngợi, và câu nói này thì hiển nhiên cho thấy rằng chúng không có được điều đó. Nói với con câu này chẳng khác nào bảo chúng “con là đồ thất bại”.

3. “Bố/ mẹ tự hào về con”
Bạn có thể đang suy ngẫm câu nói này thì có vấn đề gì? Tất nhiên đây không phải điều tệ nhất bạn có thể nói với con, nhiều ông bố bà mẹ còn dùng câu này như một cách động viên, khuyến khích…
Song sẽ tốt hơn nếu bạn biết khuyến khích con biết tự đánh giá chính bản thân mình chứ không phải phụ thuộc vào đánh giá của người khác về chúng. Tốt hơn cả, khi con được điểm tốt hay có thành tích ở trường, hãy nói: “Con nên tự hào về bản thân mình khi làm được điều đó” hoặc hỏi: “điều gì con làm được ở trường hôm nay khiến con thấy tự hào?” nếu muốn hỏi han về một ngày của con.

4. “Nếu”
Khi muốn con làm một việc gì đó, chúng ta thường nói: “Nếu con dọn đồ chơi đi, con sẽ được xem TV”. Từ “nếu” đưa ra cảm giác rằng con có thể lựa chọn. Giờ bạn thay thế “nếu” với “khi”, bạn sẽ thu được phản ứng hoàn toàn khác từ con: “Khi dọn đồ chơi xong con sẽ được xem TV”.

5. “Nhưng”
Bạn đặt “nhưng” vào câu nói và phủ nhận lại tất cả những gì đã nói trước đấy. Con bạn sẽ chỉ nghe được từ “nhưng” và câu nói đi liền sau đó thôi.
Thay vì nói: “Trông có vẻ như con đã rất nỗ lực dọn phòng, NHƯNG con lại để bộ xếp hình sai chỗ rồi”, hãy nói: “Con ngoan quá vì biết tự dọn phòng. Con có nhớ chỗ mới mình đã chọn cho bộ xếp hình để em bé không với được tới chưa?”.

6. “Con thật thông minh!”
Các nghiên cứu đã cho thấy ngợi khen con thông minh thực ra lại làm hại trẻ. Những đứa trẻ được khen là thông minh cuối cùng thường thể hiện kém hơn ở trường so với các trẻ được khen vì những nỗ lực, sự tiến bộ và thái độ đúng mực.
Lời nói luôn chứa đầy quyền lực. Những gì phụ huynh đang cố gắng làm là dùng ngôn ngữ của mình để khuyến khích con có hành vi tốt, xây dựng cho con lòng tự tin. Nếu cha mẹ nói sai, hoàn toàn có thể xin lỗi: “Mẹ xin lỗi vì đã la mắng và bảo con ngớ ngẩn. Con không phải như vậy”, “sáng nay vội quá mẹ chưa kịp nói với con rằng mẹ rất biết ơn con đã giúp mẹ chuẩn bị cho em. Con bé rất thích được con đánh răng cho đấy”. Và sau cùng, hãy thành thật với mỗi lời bạn nói, đừng cho rằng trẻ con thì không nghĩ, không biết gì.
Huyền Anh
http://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/khong-nen-noi-voi-con-985843.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét