SOCRATE TỰ BIỆN nguồn:
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=379401202235403&id=328154444026746
[Phần 01]
PLATON (427-347 TCN)
Năm 399 trước Tây lịch, Socrate bị ba công dân Athènes là Mélètos,
Anytos và Lycon truy tố về tội «làm thanh niên hư hỏng» và «thay thế các
vị thần của thành quốc bằng ngoại thần». Theo luật pháp của Athènes, kẻ
bị buộc tội có thể tự biện hộ hay đọc bài cãi do người khác viết giúp.
Ông chọn giải pháp đầu, và sau một phiên xử mang danh nghĩa công lý song
thực chất là chính trị, đã bị kết án phải uống thuốc độc. Nhưng cũng từ
đó, Socrate hoá thân thành mẫu mực bất tử, bài tự biện của ông do
Platon ghi lại trở thành tác phẩm văn học và triết học gối đầu giường,
«trường hợp Socrate» không ngừng chất vấn lương tâm con người, đồng thời
đặt ra một câu hỏi lớn về công lý cho mọi chế độ chính trị.
Để
chuyển ngữ tác phẩm lý thú này, chúng tôi chủ yếu dựa trên bản dịch
tiếng Pháp của Victor Cousin (Apologie de Socrate, 1822), và bản dịch
tiếng Anh của Benjamin Jowett (The Apology of Socrates, 1892), cả hai
đều có thể tìm thấy dễ dàng trên Internet. Tuy nhiên, ở một số đoạn,
chúng tôi đã sử dụng song song các bản dịch Pháp ngữ mới của Emile
Chambry hoặc Luc Brisson, khi thấy cần phải diễn tả giản dị, trong sáng
hoặc gần gũi hơn với tiếng Việt
(Phạm Trọng Luật)
PHẦN MỘT
Socrate tường thuật nguồn gốc của sự vu khống mà ông là nạn nhân, chất vấn Mélètos, và đặt vấn đề công lý.
Thưa quý công dân Athènes[1], không biết những kẻ truy tố tôi đã gây ấn
tượng gì trên quý vị; riêng đối với tôi, bài buộc tội của họ[2] quả đã
có sức thuyết phục mạnh đến độ hầu như đôi lúc nó làm tôi quên bẵng
mình là ai. Rằng hay thì thực là hay; tuy nhiên, họ chẳng phát biểu tới
một lời trung thực. Song trong bao dối trá đã tuôn ra ở đây, điều làm
tôi sửng sốt hơn cả là khi họ dặn quý đồng hương phải cảnh giác trước
tài hùng biện của Socrate. Nói thế mà không sợ bị phủ nhận ngay tức khắc
thì thật là liều lĩnh đến mức trơ tráo, bởi vì chỉ cần mở miệng ra tôi
đã vô tình chứng minh trước cử tọa rằng Socrate này chẳng có chút nghề
miệng luỡi mọn nào. Trừ phi đối với họ sự hùng biện có nghĩa là sức mạnh
của sự thật. Nếu đúng như thế, tôi thú nhận có thể là nhà hùng biện,
nhưng không phải theo kiểu của họ. Bởi vì, xin nhắc lại một lần nữa, họ
chưa hề nói lên lời nào đúng với sự thực, trong khi từ miệng tôi, quý vị
sẽ nghe tất cả sự thực, cho dù nó không được chải chuốt bằng loại ngôn
từ bóng bẩy như trong diễn từ đầy tiểu xảo của bên nguyên, mà ngược lại,
bằng bất cứ câu chữ nào thoạt hiện đến trong đầu; bởi vì thực tình, tôi
tin chắc rằng mình sẽ không nói điều gì không chân thực. Vậy, đừng ai
chờ đợi chi khác ở Socrate.
Ở vào tuổi đời này, thật khó coi
nếu tôi xuất hiện trước mắt quý vị như một thiếu niên đang tập diễn
thuyết trước công chúng, phải không quý đồng hương Athènes? Cho nên ân
huệ duy nhất mà tôi xin quý vị là, nếu phải nghe tôi tự bênh vực bằng
cùng thứ ngôn ngữ mà tôi vẫn quen dùng ở quảng trường Agora[3], gần các
bàn đổi tiền (nơi một số đông quý vị ở đây đã từng nghe tôi phát biểu)
hay ở bất cứ chỗ nào khác, xin chớ ngạc nhiên và ồn ào ngắt lời tôi[4];
bởi vì hôm nay là lần đầu tiên trong đời, tuổi đã ngoài bảy mươi,
Socrate này mới phải ra hầu tòa, nên thật tình hoàn toàn xa lạ với thứ
ngôn ngữ được sử dụng nơi pháp đình. Thế thì, y hệt như nếu tôi là người
sống ngoài thành quốc, quý vị sẽ dung thứ cho phép tôi phát biểu bằng
lời nói và cung cách của nơi tôi ở, tôi cũng xin quý vị, và tôi tin rằng
đấy là yêu cầu chính đáng, hãy để cho tôi làm chủ phần hình thức của
phần tự biện này, cho dù nó sẽ có kết quả tốt xấu ra sao, mà chỉ tập
trung tất cả chú ý suy xét xem những điều tôi nói ra là đúng hoặc sai.
Đấy chính là nhiệm vụ của người xét xử; nhiệm vụ của diễn giả là khai
báo sự thật.
Thưa quý công dân Athènes, bây giờ, trước hết cho
tôi phản bác những kẻ buộc tội và các tội trạng mà họ đã cáo buộc tôi
trước kia; sau đó, tôi sẽ trả lời những kẻ buộc tội và các tội trạng mới
mà họ gán cho tôi gần đây.
Bởi vì, thưa quý vị, không thiếu gì
người đã truy tố tôi trước quý vị từ bao năm nay, và tuy rằng họ chẳng
đưa ra được điều gì trung thực, tôi vẫn sợ họ nhiều hơn là Anytos với
đồng đảng[5], mặc dù những nhân vật sau cũng rất đáng ngại. Vâng, thưa
quý đồng hương, những kẻ buộc tội tôi đầu tiên mới đáng sợ hơn nhiều,
bởi vì, chiếm lĩnh tinh thần của phần đông quý vị từ tuổi thơ, họ đã
không ngừng lặp đi lặp lại những điều dối trá khiến quý vị tin rằng có
một nhà thông thái nào đó mang tên Socrate thường vẫn suy tưởng về các
hiện tượng trên trời, bươi kiếm trong lòng đất, và biến chuyện xấu xa
thành điều đáng làm[6]. Những ai phổ biến loại tai tiếng ấy mới thật sự
là kẻ kết án tôi; bởi vì, tin theo lời họ, người nghe tự thuyết phục
mình rằng bất cứ cá nhân nào, một khi đã đeo đuổi loại tìm tòi đó, đều
không tin là có thần thánh. Những kẻ buộc tội này thật đông đảo, và họ
đã hành động từ lâu; hơn nữa, họ đã áp đặt ý kiến này trên quý vị ở vào
cái tuổi dễ tin của thời thơ ấu hoặc niên thiếu, càng dễ tin hơn nữa khi
họ xử vắng mặt một kẻ không ai bênh vực. Và điều kỳ quái hơn hết là
ngay bản thân tôi cũng không thể biết mặt, không nêu được tên những ai
đã kết tội mình, ngoại trừ một tay viết hài kịch[7]. Nhưng tất cả những
kẻ đã mang các điều dối trá trên ra thuyết phục quý vị vì ganh ghét hay
để phỉ báng tôi, rồi những kẻ cả tin sau đó lại đi thuyết phục người
khác, chính hạng người này mới làm tôi bối rối hơn cả. Đã không thể nào
đưa một ai ra toà, tôi còn không thể nào phản bác họ; để tự vệ, tôi bị
đặt vào thế phải đương đầu với những bóng ma, và tranh luận mà không
nghe tiếng trả lời. Như thế, xin quý vị ghi nhận trong tâm trí cho, rằng
Socrate này có đến hai loại người buộc tội như vừa trình bày: kẻ đã ám
tố tôi từ thời xa xưa, và kẻ chỉ mới ra mặt tố tụng gần đây; mặt khác,
cũng xin quý vị hiểu giùm cho là tôi phải bắt đầu bằng sự phản bác hạng
người thứ nhất, bởi vì chính họ là kẻ mà quý vị đã nghe trước tiên trong
một thời gian dài, và chính họ mới để lại nhiều ấn tượng trên quý vị
hơn hạng người sau.
Đã đến lúc, thưa quý đồng hương Athènes,
tôi phải tự bênh vực và cố gắng rứt ra khỏi tâm trí quý vị những điều vu
khống đã ăn sâu từ lâu, với thời gian được phát biểu thật là ít ỏi.[8]
Tất nhiên, tôi hy vọng đạt được mục đích, nếu nó có ích cho cả quý vị
lẫn bản thân Socrate này. Tôi hy vọng thành công, tuy biết rằng tự bênh
vực trong những điều kiện như thế là cực kỳ khó khăn, và hoàn toàn không
tự dối mình về mức khó khăn đó. Thôi, hãy để mọi việc diễn tiến theo ý
muốn của thần thánh. Bổn phận công dân của tôi là tuân thủ luật pháp và
tự bênh vực mình.
Hãy trở lại từ gốc và xem tội trạng nào đã
làm điểm tựa cho những kẻ phỉ báng tôi và đã khiến Mélitos có đủ tự tin
để truy tố tôi trước toà. Xem nào, những kẻ phỉ báng Socrate đã nói gì?
Thử làm như thể lời buộc tội của họ đã được viết ra trong bản cáo trạng,
và nay sau thủ tục tuyên thệ, đang được tuyên đọc trước tòa: «Socrate
là người nguy hiểm, vì tật tò mò sai trái, y muốn thấu triệt cả chuyện
trên trời và trong lòng đất, biến chuyện xấu xa thành điều đáng làm, còn
dạy dỗ kẻ khác loại tà thuật ấy». Đấy là cáo trạng.
Đấy chính
là những gì quý vị đã thấy tận mắt trong hài kịch của Aristophane. Một
ông Socrate nào đó được kéo vất va vất vưởng ngang sân khấu, tuyên bố
rằng mình có tài đi lại trên không và hàng trăm điều ngông cuồng khác về
nhiều chuyện mà bản thân tôi tuyệt đối không hiểu nổi. Tôi nói thế
không phải để dè bỉu loại kiến thức trên - xin đính chính nếu có ai
trong cử tọa thành thạo về các bộ môn ấy; hy vọng rằng Mélitos sẽ không
lại kiếm chuyện với tôi thêm lần nữa vì lời đính chính này. Sự thật là
tôi không hề đeo đuổi loại học thuật đó; phần lớn quý vị ở đây có thể
làm chứng cho tôi. Vì vậy, tôi yêu cầu vị nào đã từng đàm luận với tôi,
và đấy là trường hợp của một số rất đông quý vị, hãy hỏi han nhau xem,
và công bố xem có bao giờ quý vị từng nghe Socrate này phát biểu chi,
ngắn ngủi hay dông dài, về các vấn đề ghi trong cáo trạng trên. Quý vị
sẽ thấy ngay rằng tất cả những chuyện mà người ta gán cho tôi đều thuộc
về cùng một duộc: chẳng có gì là thực trong các lời phao đồn ấy.
Và nếu có ai bảo quý vị rằng tôi còn dạy dỗ kẻ khác lấy thù lao, thì
đấy cũng là tin thất thiệt. Không phải tôi không biết rằng có khả năng
dạy dỗ người đời là điều cao đẹp, như Gorgias của Leontium, như Prodicos
ở Céos, như Hippias xứ Elis[9]. Các nhân vật lừng danh này đã đi khắp
mọi thành quốc Hy Lạp, và ở đâu họ cũng thuyết phục nổi thanh niên bản
xứ rời bỏ các vị thầy đồng hương đang dạy dỗ mình miễn phí để theo học
họ, chẳng những chịu trả phí tổn cao, mà còn xem đấy như một đặc ân.
Ngay tại thành quốc ta, tôi nghe nói cũng có một người mới đến từ Paros,
một biện sĩ rất giỏi. Hôm nọ, tôi tình cờ ghé thăm Callias con của
Hipponicus, người đã trả học phí cho giới biện sĩ còn nhiều hơn tất cả
những kẻ hiếu học ở đây cộng lại. Tôi hỏi Callias khi nói về các con của
ông ta: «Này Callias, nếu bạn có ngựa giống hoặc bò mộng thay vì hai
con trai, chúng ta đều biết rằng phải giao chúng và phải trả thù lao
tương xứng cho ai có khả năng phát huy bản chất của chúng thành những
sinh vật khỏe và đẹp đến tối đa, và kẻ ấy hẳn phải chuyên nghề chăn ngựa
hay nuôi bò. Nhưng vì các con bạn là người, bạn đã quyết giao chúng cho
ai chưa? Ai có thể dạy dỗ chúng nên người và thành công dân tốt? Tôi
tin rằng, từ khi làm bố, nhất định bạn đã suy nghĩ nhiều về chuyện này.
Bạn đã có ai chưa?». Ông ta đáp: «Tìm được người rồi». Tôi lại hỏi: «Ai
thế, dân ở đâu, đòi thù lao bao nhiêu?». Callias cho tôi biết: « Evenos
đấy Socrate, ông ta đến từ Paros và lấy 5 min»[10]. Tất nhiên, tôi mừng
cho Evenos, nếu quả thật ông ta có biệt tài ấy và chịu truyền dạy với
một giá phải chăng như vậy. Bản thân tôi, nếu có chuyên môn của ông ta,
chẳng những tôi sẽ rất hãnh diện mà còn tự đắc. Khổ nỗi, thưa quý đồng
hương Athènes, tôi không có khả năng này.
Đến đây, trong số quý
vị hẳn có người sẽ hỏi: «Nhưng mà này Socrate, công ăn việc làm của ông
chi gì vậy? Tại sao người ta lại phỉ báng ông? Ông cho rằng mình chẳng
làm gì khác thường cả; nhưng chắc chắn ông không thể là nạn nhân của bao
nhiêu tai tiếng, bao nhiêu chuyện nhảm nhí nếu thực sự ông không làm
chi hơn hoặc khác thiên hạ. Hãy nói chúng tôi nghe, để tránh cho cử toạ
sự phán xử nhẹ dạ, võ đoán». Nghi vấn chí lý, tôi hoàn toàn đồng ý; vì
vậy, tôi xin cố gắng giải thích vì đâu mà Socrate này lại thừa hưởng vừa
cái danh người hiểu biết[11], vừa bao lời phỉ báng như vậy. Xin quý vị
lắng nghe. Có thể một vài vị trong cử tọa tưởng rằng tôi nói đùa; nhưng
xin hãy yên trí rằng tôi chỉ nói lên sự thực. Danh tiếng của tôi không
đến từ chi khác hơn là một kiến thức vốn có. Kiến thức về cái gì vậy? Có
lẽ nó chỉ là một sự hiểu biết liên hệ đến con người. Thứ kiến thức ấy,
có thể là tôi có thật, bởi vì ai cũng có khả năng đạt đến, và chỉ trong
chừng mức đó thôi mà tôi dám tin mình là người hiểu biết. Ngược lại, các
biện sĩ mà tôi vừa kể tên ban nãy lại có một loại tri thức khác, ở một
cấp bực cao hơn là kiến thức chung này. Tôi không thể nói chi hơn về
loại tri thức đó, bởi vì thật tình tôi không biết; ai nói khác là nói
láo và vu khống.
Đến đây, quý công dân Athènes, xin đừng lao
nhao ngắt lời tôi, nếu quý vị thấy rằng Socrate này nói về mình quá đỗi
tự phụ; bởi vì những lời tôi sắp nói ra đây không xuất phát từ tôi mà từ
một quyền uy đáng cho quý vị tin cậy hơn nhiều. Để xác nhận sự hiểu
biết của Socrate, tôi xin dẫn chứng lời phán của thần Apollon ở đền
Delphes[12], Ngài sẽ nói cho quý vị biết tôi có phải là người hiểu biết
chăng, và kiến thức ấy là gì. Trong cử toạ chắc ai cũng biết Chéréphon,
bạn từ thời thơ ấu của tôi, đồng thời là một công dân tốt, kẻ đã cùng đi
đày và cùng hồi hương với quý vị[13]. Biết rõ Chéréphon, quý vị còn lạ
gì nhiệt tình mà y đặt vào mọi công việc. Ngày kia, khi ghé viếng đền
Delphes, Chéréphon bỗng đánh bạo thỉnh ý Thần xem trên đời này còn có
người hiểu biết hơn Socrate chăng (đến đây, một lần nữa tôi lại phải xin
quý vị chớ xì xào khó chịu khi nghe tôi nói); và vị đồng cô[14] ở đền
trả lời rằng không có ai cả. Về lời đáp này, dù Chéréphon nay không còn
nữa, Chérécrate ở đây có thể xác nhận với quý vị.
Thưa quý công
dân Athènes, bây giờ hãy xét xem vì sao Socrate này lại kể chuyện ấy ra
ở đây. Vì nay tôi phải giải thích với quý vị căn nguyên của những lời
vu khống mà tôi là nạn nhân. Khi biết câu trả lời của Thần, tôi chợt
thắc mắc: lời phán này muốn nói chi, mang ẩn nghĩa gì? Bởi vì tôi thừa
biết rằng mình chẳng mảy may có chút kiến thức nào. Vậy thì Thần muốn
nói chi, khi phán rằng tôi là kẻ hiểu biết nhất? Chắc chắn là Ngài không
thể nói dối; dối trá là điều hoàn toàn trái ngược với bản chất của thần
thánh. Hoang mang tột độ như thế khá lâu, sau bao lần do dự, cuối cùng
tôi đành phải lấy quyết định tự tìm hiểu ý Thần. Trộm nghĩ nếu tìm được
một người giàu kiến thức hơn mình, lúc ấy tôi có thể thưa lại với Thần:
đây là người thông thái hơn tôi, thế mà Ngài lại dạy rằng tôi là người
hiểu biết nhất! Tôi bèn đến viếng một công dân vẫn được xem là thuộc
thành phần có nhiều kiến thức sâu rộng nhất thành quốc, hy vọng rằng ở
đây hơn bất cứ nơi nào khác, tôi sẽ có cơ may kiểm chứng lời phán trên.
Tôi đã khảo sát cặn kẽ nhân vật này – xin miễn nêu tên, chỉ cần nói rõ
rằng đấy là một trong các nhà lãnh đạo chính trị lớn nhất của chúng ta
-, và từ cuộc đàm luận với ông ta, tôi rút ra kết luận rằng vị này đã
gây được ấn tượng thông thái trước mắt nhiều người, nhất là trước mắt
của chính mình, song sự thực là y chẳng có chút kiến thức nào. Khám phá
trên khiến tôi cố gắng chứng minh cho ông ta thấy rằng y không hề có
những hiểu biết mà y tưởng có. Hậu quả là tôi chỉ chuốc lấy sự thù ghét
của ông ta và bạn bè tham dự cuộc đàm thoại. Khi ra về, tôi không khỏi
tự nghĩ mình hiểu biết hơn vị này. Có thể đúng là cả ông ta lẫn tôi đều
không biết chi đáng kể, song trong khi ông ta tưởng mình biết mặc dù
chẳng biết chi, thì tôi tuy không biết chi cũng không hề tưởng là mình
biết. Như thế, ít nhất về điểm này, dường như tôi biết điều hơn: tôi
không tưởng là biết điều tôi không biết. Sau đó, tôi lại viếng một nhân
vật khác, còn được xem là thông thái hơn cả vị trước; tôi đi đến cùng
một kết luận, và ở đấy tôi cũng lại tự chuốc lấy oán hận của ông ta và
rất nhiều bạn hữu chung quanh.
Tuy vậy, tôi vẫn không nản chí
chút nào. Tôi hoàn toàn cảm nhận được sự thù ghét mà mình đã tích lũy,
song dù buồn rầu, ngay cả đôi khi kinh hoảng nữa, tôi tin rằng mình phải
đặt sự tìm hiểu ý nghĩa của lời Thần phán lên trên tất cả. Tôi lại ghé
hết nhà này đến nhà khác, cố tìm gặp bằng được những người được tiếng
thông thái hay tỏ vẻ có vốn liếng kiến thức. Và Chó[15] ơi, tôi xin thề,
bởi vì tôi phải khai thực với quý vị, đây là kết luận tôi đã rút ra từ
cuộc thăm dò: trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, kẻ được tiếng là thông thái
nhất rốt cuộc lại thiếu hiểu biết hơn ai hết, trong khi kẻ bị xem là
thấp kém hơn dường như lại gần gũi với lương thức hơn.
Dầu sao,
cũng xin thuật lại với quý vị trong chi tiết cuộc truy tìm đáng gọi là
công trình Hercule của Socrate này để tự thuyết phục rằng lời phán của
Thần là không thể sai. Sau giới chính khách, tôi tìm đến giới cầm bút,
từ kẻ viết kịch, làm thơ đến các loại tác gia khác, hoàn toàn không nghi
ngờ rằng ở đây sự dốt nát của tôi sẽ hiển hiện lộ liễu trước kiến thức
ưu đẳng của họ. Cầm trong tay tác phẩm nào có vẻ đã được tạo tác công
phu nhất của họ, tôi hỏi họ thực sự muốn nói gì, hy vọng qua đó được chỉ
giáo thêm. Thưa quý đồng hương, thật là xấu hổ phải nói lên sự thực,
tuy rằng dù sao cũng phải khai thật với quý vị mà thôi. Tất cả hoặc hầu
hết những người có mặt trong các cuộc trò chuyện đều có thể bàn về văn
thơ của các vị ấy hay hơn cả chính tác giả. Tôi mau chóng nhận ra rằng
giới văn thi sĩ đã sáng tạo được không phải nhờ kiến thức, mà nhờ một
thứ năng khiếu tự nhiên hay cảm hứng thiên phú giống như ở các nhà tiên
tri hay thầy bói; các vị này có thể tiết lộ bao điều thật đáng phục tuy
chẳng có hiểu biết chi về chúng. Nhà văn, nhà thơ dường như cũng ở trong
một trạng thái tương tự; đồng thời tôi cũng nhận thấy rằng họ còn tưởng
mình thông thái hơn thiên hạ trên mọi vấn đề khác nhờ thứ năng khiếu
đặc biệt ấy, thật ra thì họ chẳng hiểu biết gì hơn ai. Tôi bèn giã từ
giới này, tin chắc rằng dù sao mình cũng còn hơn họ, vì cùng một lý lẽ
như đối với các chính khách.
Sau cùng, tôi tìm đến giới công
nghệ[16]. Tự thấy mình chẳng biết chi hết về loại nghệ thuật này, tôi
tin chắc sẽ gặp ở đây rất nhiều nghệ nhân biết làm đủ thứ sản phẩm đẹp
đẽ. Và về điểm này thì tôi không nhầm chút nào: họ biết rất nhiều chuyện
mà tôi không biết, và dưới khía cạnh này thì đúng là họ thông thái hơn
Socrate tôi rất nhiều. Tuy nhiên, thưa quý vị, ngay cả kẻ có hoa tay
nhất ở đây cũng mắc phải cùng một sai lầm như giới văn thi sĩ; vì xuất
sắc hơn kẻ khác về kỹ thuật nghề nghiệp, anh nào cũng yên trí rằng mình
phải có nhiều kiến thức hơn thiên hạ về bao chuyện quan trọng khác, đến
nỗi sự tự phụ điên khùng đó che lấp cả tài năng kỹ xảo của họ. Rốt cuộc,
liên tưởng đến lời phán của Thần, rồi tự vấn nên giữ mình như bây giờ,
nghĩa là không có cả những điều họ biết lẫn những điều họ không biết,
hay nên vừa có phần hiểu biết vừa có phần u muội của họ, tôi đã tự trả
lời cho mình và với Thần rằng Socrate này muốn giữ mình như hiện thời
hơn.
Thưa quý công dân Athènes, chính những tìm tòi này đã khơi
dậy bao oán ghét cay độc và đáng sợ đối với tôi, và cũng chính từ căm
thù mà những điều vu khống tôi đã xuất phát. Đồng thời, cũng chính nhờ
những tìm tòi này mà tôi lại được tiếng là hiểu biết, bởi vì tất cả
những ai đã từng nghe tôi đều tưởng rằng Socrate này biết hết mọi chuyện
về những gì tôi đã chứng minh là người khác không biết. Nhưng thưa quý
vị, sự thật là chỉ có Thần Apollon mới thông thái, và Ngài chỉ muốn dạy
qua lời phán rằng kiến thức của con người chưa đi đến đâu cả, thậm chí
không là gì cả; và hiển nhiên là ở đây đâu phải Ngài nói chi về cá nhân
tôi, mà chỉ dùng tên tôi như một thí dụ, như thể đang nói với tất cả mọi
người: hỡi con người, kẻ thông thái nhất trong số các anh sẽ là ai tự
biết rằng kiến thức của mình không là gì cả, như Socrate. Tuy vững tin
như thế, song để chắc chắn hơn nữa, đồng thời vâng lời Thần, tôi luôn
tiếp tục cuộc tìm kiếm, hết khảo sát công dân thành quốc này đến kẻ
ngoại thành kia, bất kỳ ai được tiếng hay có vẻ thông thái, hy vọng một
ngày kia sẽ tìm thấy ở họ sự hiểu biết đích thực. Và khi không tìm ra,
tôi làm kẻ phát ngôn của Thần, chứng minh cho từng người thấy rằng họ
không thông thái như họ tưởng. Việc ấy đã chiếm hết thời giờ, khiến tôi
không còn rảnh rỗi để lo việc thành quốc hay gia đình; thế nên tôi cam
sống trong cảnh cực kỳ túng quẫn, với mục đích duy nhất là tận tụy phục
vụ lời Thần.
Mặt khác, nhiều thanh niên nhàn rỗi vì là con nhà
giàu có đã tự nguyện theo tôi, vì thích nghe Socrate này thử thách kẻ
tưởng mình thông thái. Sau đó chính họ lại tự ý bắt chước tôi, đi tìm
những người khác nữa để khảo hạch; và tôi không nghi ngờ chút nào là họ
thường được mùa lớn, bởi vì không thiếu gì người trên đời này tưởng rằng
mình hiểu biết tất cả, mặc dù thật ra chẳng hiểu gì bao nhiêu, thậm chí
không biết chi hết. Rồi tất cả những kẻ bị lật mặt nạ là dốt nát đó,
thay vì công kích lớp trẻ, quay lại đổ trách nhiệm lên đầu tôi. Họ rêu
rao tướng lên rằng có tên Socrate khốn kiếp nào đó đang làm thanh niên
hư hỏng. Song nếu ai hỏi tên Socrate ấy đã làm gì, dạy gì cho lớp trẻ
đến nỗi chúng bị hư hỏng thì họ không biết. Để che giấu sự bối rối, họ
đưa ra loại phàn nàn nghe đã nhàm tai về bất cứ ai xem là triết gia, nào
là «suy tưởng về các hiện tượng trên trời, bươi kiếm trong lòng đất»,
nào là «không tin vào thần thánh», nào là «biến chuyện xấu xa thành điều
đáng làm», bởi vì họ không dám thú nhận sự thật là đã bị bắt quả tang
chỉ giả bộ thông thái chứ thực sự không có hiểu biết chi hết. Song nhờ
vừa đông đảo lại mưu mẹo và hung hãn, họ đã liên tục phỉ báng tôi; như
thế, từ lâu họ đã nhét đầy tai quý vị bao lời thị phi nham hiểm theo một
chương trình có phối hợp và đầy tính thuyết phục. Để rồi ngày hôm nay,
Mélètos, Anytos và Lycon đứng ra tố tụng: đằng sau Mélètos là đám văn
thi sĩ, sau Anytos là các nhóm chính khách và công nghệ, sau Lycon là
giới biện sĩ. Bởi vậy, như tôi đã nói với quý vị ngay từ đầu, đúng là
phép lạ nếu tôi có thể đánh đổ, trong một thời gian ngắn như ở đây, sự
vu khống đã bám rễ lâu đời vào tâm trí của quý vị.
Thưa quý
công dân Athènes, đấy là sự thật, tất cả sự thật. Tôi đã không giấu
giếm, ngụy trang gì cả, mặc dù biết thừa rằng những điều tôi nói ra chỉ
tổ làm họ oán ghét tôi thêm; song chính sự thù ghét này là chứng cớ rằng
tôi đã nói thật, và không nhầm lẫn chút nào về nguồn gốc của những lời
phỉ báng. Quý vị có thể tự thuyết phục dễ dàng như thế, nếu chịu khó
điều tra sâu hơn, bây giờ hoặc sau này.
Về những kẻ buộc tội
Socrate tôi đầu tiên, thiết tưởng tự biện hộ như thế đã khá đầy đủ; giờ
đến lúc tôi phải cố trả lời nhóm người buộc tội tôi gần đây cùng với
Mélétos, người hiền lành và công dân tốt của thành quốc như ông ta tự
nhận. Hãy đọc lời khai của họ y như ta đã làm với nhóm trước; đại khái
nó nói như sau: «Socrate có tội đã làm hư hỏng thanh niên, có tội chẳng
những không tôn thờ mà còn thay thế các vị thần của thành quốc bằng
ngoại thần». Đấy là bản cáo trạng; chúng ta thử lần lượt xem xét từng
điểm một.
Theo Mélètos, tôi có tội đã làm hư hỏng thanh niên.
Riêng tôi, thưa quý đồng hương Athènes, tôi nói chính Mélètos mới là kẻ
có tội, tội lấy chuyện nghiêm trọng làm trò đùa, và hàm hồ lôi người
khác ra trước công lý để giả bộ như hết sức quan tâm đến những chuyện mà
thật ra y chẳng bao giờ lưu ý. Và tôi sẽ cố gắng chứng minh tức thì với
quý vị rằng sự thật là như thế.
Socrate: Lại đây Mélètos và
trả lời tôi. Có phải ông hết sức quan tâm đến việc làm sao cho thanh
niên thành quốc ta trở nên đức hạnh[17] tột cùng chăng?
Mélètos: Đúng thế.
Socrate: Nếu thật vậy, xin ông nói cho toà nghe ai là người có thể làm
cho thanh niên đức hạnh hơn đi. Hẳn là ông phải biết thôi, bởi vì đấy là
chuyện ông luôn luôn tha thiết mà. Ông cho rằng ông đã phát hiện ra kẻ
làm cho lớp trẻ hư hỏng, đã tố cáo hắn trước tòa, vậy thì bây giờ ông
phải chỉ ra được ai là người có khả năng làm cho thanh niên ta đức hạnh
hơn chứ. Nói nghe đi Mélètos. Thấy chưa, ông không mở miệng trả lời
được, đấy không phải là bằng chứng hiển nhiên rằng ông chưa bao giờ bận
tâm đến việc giáo dục tuổi trẻ hay sao? Nhưng mà thôi, Mélètos khả kính
ạ, tôi hỏi lại: ai là người có thể làm cho thanh niên ta đức hạnh hơn,
nói cho mọi người nghe đi.
Mélètos: Luật pháp.
Socrate: Đấy không phải là câu tôi hỏi, Mélètos ạ. Câu tôi hỏi ông là:
ai? người nào? Tất nhiên, điều đầu tiên người ấy phải biết là pháp luật.
Mélètos: Những người mà ông thấy ở đây, những người đang xử tội ông đấy, Socrate.
Socrate: Ông nói sao, Mélètos? Những người ngồi xử đây đều có khả năng dạy dỗ lớp trẻ và làm cho chúng đức hạnh hơn à?
Mélètos: Chắc chắn.
Socrate: Tất cả mọi người hay là trong số các vị ngồi xử đây, có người làm được, có người không làm được ?
Mélètos: Tất cả.
Socrate: Héra ơi[18], tuyệt vời! Ông đã tìm ra cho thành quốc một số
khổng lồ các nhà giáo giỏi. Nhưng mà thôi, ta tiếp tục. Tất cả các công
dân đang nghe ta đây, họ cũng có khả năng làm cho thanh niên đức hạnh
hơn, hay không?
Mélètos: Họ cũng có khả năng ấy.
Socrate: Thế còn các vị đại biểu thành quốc?
Mélètos: Cả các đại biểu thành quốc nữa.
Socrate: Thế thì, Mélètos ạ, tất cả những ai tham dự Đại Hội Công Dân
đều có thể làm thanh niên hư hỏng, hay là cả họ nữa cũng đều có khả năng
làm cho tuổi trẻ đức hạnh hơn?
Mélètos: Họ đều có khả năng ấy hết cả.
Socrate: Như vậy, theo ông, mọi công dân Athènes đều hữu ích cho tuổi
trẻ cả, trừ tôi. Chỉ có Socrate này là làm thanh niên hư hỏng, có phải
ông nói thế không?
Mélètos: Đích xác như thế.
Socrate:
Thật là bất hạnh cho tôi, nếu quả đấy là sự thật. Nhưng hãy trả lời
tiếp đi. Theo ông, nếu không phải là người mà là là ngựa chẳng hạn, thì
sự thể có còn như thế không? Phải chăng tất cả mọi người đều có khả năng
làm cho chúng khoẻ đẹp hơn, và chỉ một người là có bí quyết làm chúng
hư đốn? Hay là ngược lại? Chỉ có một người hay một số ít người là có khả
năng đào tạo tuấn mã thôi, nói cụ thể là kẻ nuôi ngựa? Còn bao người
khác, khi cưỡi ngựa hay dùng chúng vào bất kỳ việc gì, đều chỉ làm chúng
hư đốn đi? Phải chăng không chỉ đối với ngựa mà ngay cả đối với các gia
súc khác cũng đều như vậy? Nhất định là phải như thế thôi, Anytos và
Mélètos ạ, dù các ông có đồng ý hay không. Và thật ra, quả là hạnh phúc
biết bao cho thanh niên, nếu thật sự chỉ có một người có thể làm chúng
hư hỏng trong khi tất cả mọi người khác đều có khả năng làm chúng đức
hạnh hơn. Nhưng mà thôi, Mélètos; ông đã chứng minh khá đầy đủ rồi.
Những phát biểu của ông vừa nói rõ ràng rằng ông chẳng tha thiết gì với
thanh niên, mà cũng chưa bao giờ bận tâm về chuyện giáo dục mà ông đã
mượn danh nghĩa để truy tố tôi.
Socrate: Hơn nữa, nhân danh
Zeus, xin ông trả lời tôi câu hỏi này, Mélètos: sống với người tốt hay
sống với kẻ xấu, đàng nào lợi hơn? Câu hỏi chẳng có chi là khó, trả lời
tôi đi ông bạn. Có phải kẻ xấu bao giờ cũng gây hại, trong khi người tốt
luôn luôn làm lợi cho người chung quanh chăng?
Mélètos: Đúng thế.
Socrate: Như vậy, có ai thích nhận thiệt hại hơn là lợi ích từ những
người mà mình giao thiệp hay không? Trả lời đi Mélètos, như luật pháp
bắt buộc ông. Có ai thích nhận chuyện dữ hơn là điều lành chăng?
Mélètos: Không. Chằng có ai cả.
Socrate: Xem nào, thế khi ông kết tội tôi làm thanh niên hư hỏng, hung dữ, ông nói là tôi đã làm cố ý hay vô tình?
Mélètos: Cố ý. Tôi tin chắc như thế.
Socrate: Thế là thế nào, Mélètos? Ở tuổi ông, sự khôn ngoan đã vượt xa
Socrate già đời này, đến độ ông còn biết rằng kẻ hung ác bao giờ cũng
gây hại và người hiền lành luôn luôn làm lợi cho người chung quanh,
trong khi tôi lại ngu muội đến mức không hiểu rằng khi mình làm cho kẻ
khác xấu ác thì chắc chắn phải chờ đợi bị hắn hãm hại trở lại, và chẳng
những thế tôi còn cố ý làm hư hỏng lớp trẻ để bị làm hại một cách hoàn
toàn ý thức nữa kia! Điều này, không chỉ một mình tôi mà chẳng ai trên
đời này có thể tin ông nổi, Mélètos ạ. Hoặc tôi không làm thanh niên hư
hỏng, hoặc nếu tôi làm thì đấy chỉ là chuyện ngoài ý muốn và ngoài sự
hiểu biết của tôi; trong cả hai trường hợp, ông là kẻ khai man. Luật
pháp không trừng phạt loại lỗi lầm không chủ tâm; nếu tôi vô tình làm
thanh niên hư hỏng, đáng lẽ ông phải gọi tôi ra một nơi để dạy bảo hay
cảnh cáo thì mới đúng, bởi vì hiển nhiên là nếu được khuyên can, tôi sẽ
hết làm lỗi mà không biết. Đàng này, thay vì tìm gặp để dạy bảo, ông lại
lôi cổ tôi ra toà, nơi để xét xử kẻ đáng bị trừng phạt hơn là chỉ cần
quở trách.
Socrate: Thưa quý đồng hương Athènes, đấy là chứng
cớ đủ hiển nhiên về điều tôi nói ban nãy: Mélètos chưa bao giờ bận tâm
về các vấn đề này. Dù sao, tôi cũng muốn biết thêm. Nói chúng tôi nghe
đi, Mélètos, tôi đã làm thanh niên hư hỏng bằng cách nào. Có phải bằng
cách xúi giục họ không nhìn nhận và thay thế các thần linh của thành
quốc bằng tà thần ở nơi khác, như được ghi lại trong đơn kiện của ông
không?
Mélètos: Chính thế.
Socrate: Mélètos, nhân danh
ngay chính các vị thầnđang nói đây, hãy giải thích rõ ràng hơn một chút
cho tôi và cả toà nghe, bởi vì tôi chưa hiểu ông buộc tôi tội gì. Tội
đã dạy rằng thần thánh có thật (trong trường hợp này, tôi không vô thần,
và không thể mắc tội vô thần), song không phải là các thần linh mà
thành quốc này thờ. Hay tội chang những đã tin không có thần thánh, mà
còn dạy kẻ khác đừng công nhận bất kỳ thần linh nào?
Mélètos: Tôi buộc tội ông không công nhận bất cứ vị thần nào.
Socrate: Tuyệt vời! Tại sao ông nói thế, Mélètos! Bộ tôi không tin như
mọi người rằng mặt trời, mặt trăng đều là thiên thần cả à?
Mélètos: Zeus ơi, tôi thề. Không, thưa quý vị thẩm phán, hắn hoàn toàn
không tin; bởi vì hắn nói mặt trời là đá, còn mặt trăng là đất.
Socrate: Ông tưởng tượng đang buộc tội Anaxagore hay sao Mélètos? Ông
khinh thường các vị thẩm phán quá, nếu ông tưởng họ dốt đến mức không
biết rằng trong các cuộn giấy của Anaxagore đầy những khẳng định tương
tự. Hơn nữa, ông còn tưởng tượng rằng lớp trẻ nô nức kéo nhau đến học ở
Socrate thứ lý thuyết mà chỉ cần trả chưa tới 1 đrắc chúng đã có thể
nghe đọc ngay cận sân khấu quảng trường bất cứ lúc nào[19], lại còn có
cơ hội chế giễu Socrate này nữa chứ, nếu tôi dám nhận vơ loại ý kiến phi
lý đến kỳ cục đó là của mình. Nhưng mà, Zeus ơi, ông cho rằng tôi không
công nhận bất cứ vị thần nào thực à?
Mélètos: Đúng. Nhân danh Zeus, tôi thề là ông không công nhận thần thánh nào cả.
Socrate: Những điều ông vừa nói quả khó tin, Mélètos; tôi có cảm tưởng
rằng chính ông cũng không tin nổi. Thưa quý đồng hương Athènes, đối với
tôi, Mélètos là kẻ liều lĩnh và xấc láo: do sự bồng bột và thiếu tự chế
của tuổi trẻ, y đã đặt chuyện buộc tội để lăng nhục tôi. Chắc y đến đây
nhằm thử thách tôi bằng một câu đố, tự nhủ trong đầu: để coi thử xem
Socrate, kẻ được tiếng là hiểu biết có nhìn ra rằng tôi đang bỡn cợt,
đang nói năng ngược ngạo, hay là tôi có thể lừa được cả hắn lẫn những
người nghe khác. Bởi vì thực sự là y đã tự mâu thuẫn hoàn toàn trong lời
buộc tội, như thể là y đã nói: Socrate mắc tội không tin là có thần
thánh, đồng thời Socrate mắc tội tin rằng có thần thánh. Như thế mà
không phải là bỡn cợt sao?
Xin quý vị hãy theo dõi, và cùng tôi
xét xem vì sao tôi nghĩ rằng y mâu thuẫn. Trả lời đi, Mélètos; riêng
quý tòa, như tôi đã yêu cầu ngay từ đầu, xin quý vị chịu khó nghe
Socrate này phát biểu theo lối nói thường ngày của tôi. Nói chúng tôi
nghe đi, Mélètos: trên đời này, có ai tin rằng có những chuyện liên hệ
đến con người mà lại không có con người chăng? Xin quý toà ra lệnh cho y
phải trả lời thay vì né tránh ồn ào như thế. Có ai tin rằng có thuật
nuôi ngựa mà không có ngựa chăng? Có tiếng sáo mà không có người thổi
sáo chăng? Bởi vì ông không chịu mở miệng, tôi nói thay ông vậy. Chẳng
có ai cả, Mélètos ạ. Xin trả lời, cho ông và với toàn thể cử tọa như
thế. Hãy trả lời thêm câu hỏi này nữa: có ai tin vào chuyện quỷ thần mà
không tin là có quỷ thần chăng?[20]
Mélitus: Chắc là không.
Socrate: Cám ơn ông đã trả lời, mặc dù thật là khó nhọc, dưới sự bắt
buộc của tòa! Như vậy, ông đồng ý rằng tôi có công nhận và dạy dỗ chuyện
quỷ thần: dù đã xa xưa hay mới đây không thành vấn đề, cái chính là
theo ông tôi đã bàn về mãnh lực quỷ thần, ông đã viết và thề độc như thế
trong cáo trạng. Nhưng nếu công nhận hiệu lực của quỷ thần, thì tất yếu
cũng phải công nhận là có quỷ thần chứ, phải không? Vâng, nhất định như
thế thôi. Ông im lặng là thừa nhận rồi. Thế mà, có phải chúng ta đều
xem quỷ thần như thần linh hay con cháu thần thánh chăng? Ông có đồng ý
không nào?
Mélitus: Đồng ý.
Socrate: Rốt cuộc, bởi vì
tôi công nhận là có quỷ thần theo lời khai của chính ông, và bởi vì quỷ
thần đều là thần linh, đấy là bằng chứng của điều tôi nói: ông đến đây
để thách đố và giải trí trên đầu Socrate, vừa quả quyết rằng tôi không
tin là có thần thánh, vừa xác nhận rằng tôi tin là có thần thánh, bởi vì
tôi tin là có quỷ thần. Và nếu quỷ thần là con cháu thần thánh - dù là
con hoang của các vị với loài tiên, loài tinh, hay ngay cả người thường
như ta nói -, ai có thể tin được rằng có con cháu thần thánh mà lại
không có thần thánh? Nó cũng phi lý như tin rằng có giống la do lừa với
ngựa đẻ ra, mà lại không có cả ngựa lẫn lừa! Như thế, thật khó tin nổi
rằng ông đã không đặt chuyện kiện cáo này ra, hoặc để thử thách tôi,
hoặc vì ông không tìm ra được một lý do chính đáng nào khác. Bởi vì làm
sao ông có thể thuyết phục được bất cứ ai chưa hoàn toàn ngớ ngẩn rằng
cùng một người lại có thể vừa tin là có những biểu hiện của quỷ thần và
thần thánh, lại vừa đồng thời quả quyết rằng không có cả thần thánh, quỷ
thần lẫn các bán thần là anh hùng? Đời nào ông làm được, Mélètos.
Thưa quý công dân Athènes, tôi không cần phải tự bênh vực lâu hơn. Đối
với tôi, điều vừa phát biểu đã đủ để chứng minh rằng cáo trạng của
Mélètos là không có cơ sở, và tôi hoàn toàn vô tội. Còn về điều tôi đã
thưa với quý vị ngay từ đầu – rằng tôi là nạn nhân của rất nhiều oán thù
còn sôi sục – xin quý vị cứ tin thật như thế; và điều gây hậu hoạn cho
tôi nếu chẳng may thất kiện, sẽ không phải là cá nhân Mélètos hay
Anytos, mà chính là bệnh ganh ghét và tật phỉ báng đã từng hãm hại bao
công dân tốt, và sẽ còn làm hại nhiều người khác nữa, bởi vì không hy
vọng gì tai ương này sẽ ngừng lại ở tôi.
Có thể trong số quý
vị, ai đó sẽ hỏi: Ông không xấu hổ đã đeo đuổi một sự tìm tòi ngày nay
đang đặt ông trước nguy cơ mất mạng hay sao, Socrate? Tôi có thể đối đáp
rất hợp lý với vị nào đặt ra bắt bẻ ấy: ông bạn nhầm rồi, nếu ông tin
rằng một người có chút giá trị nào đó phải biết cân nhắc may rủi sống
chết, thay vì chỉ tự vấn lương tâm xem mình đã hành động công chính hay
không, đã hành động như người tốt hay kẻ xấu trong mọi việc làm. Cứ nghe
theo ông thì tất cả các vị bán thần đã chết trong trận vây hãm thành
Troie đều dại dột cả, đặc biệt là Achille con của Thétis và Pélée, khi
ông ta xem cái chết tựa lông hồng so với nỗi sống nhục. Nữ thần mẹ ông,
khi thấy con nóng nảy tìm giết Hector, đã nhắc khéo bằng những lời sau,
nếu tôi nhớ đúng: «Con ơi, nếu mi giết Hector để trả thù cho Patrocle,
mi cũng sẽ chết ngay sau đó, vì đấy là cái số phận đang chờ đợi mi». Lời
tiên tri ấy không ngăn cản ông vào sinh ra tử; rồi sợ sống hèn vì không
trả thù bạn hơn tất cả, Achille đã gào thét: «Cho tôi chết ngay tại
đây, miễn sao trừng phạt được kẻ đã giết Patrocle, thay vì cứ còng lưng
ngồi chờ trên mũi thuyền, làm trò cười cho thiên hạ, làm một gánh nặng
vô ích trên mặt đất». Theo ông, cư xử như thế là lo sợ trước hiểm nguy
và cái chết chăng?
Thưa quý công dân Athènes, thật ra ta phải
hành xử như thế mà thôi. Bất kỳ ai, khi đã chọn một vị trí mà mình cho
là xứng đáng nhất, hay được bề trên đặt vào đấy, theo tôi, phải bảo vệ
nó đến cùng, bất kể hiểm nguy hay chết chóc mà chỉ nghĩ đến danh dự. Vì
thế, thưa quý vị, tôi sẽ cư xử thật kỳ quặc, nếu sau bao lần liều mạng
cố thủ như chiến binh ở các vị trí đã từng được giới tướng lãnh của
thành quốc đặt vào, như ở Potidée, ở Amphipolis và ở Délion, nay tôi lại
đào ngũ vì sợ chết hay một nguy hiểm nào khác, khi chính thần Apollon ở
đền Delphes bảo tôi phải sống cuộc đời triết gia suốt phần đời còn lại,
để tự xét mình và xét người, như bản thân tôi đã tin và tự giải thích
như thế. Đấy mới đúng là một cách ứng xử kỳ quặc, và đấy mới đúng là lúc
phải truy tố tôi ra tòa như kẻ không sùng kính, không tin là có thần
thánh, không vâng lời phán của Thần, sợ chết, ngu si đần độn mà tưởng
mình thông thái hiểu biết. Bởi vì sợ chết, thưa quý vị, chẳng là gì khác
hơn là tưởng mình biết điều mình không biết, là ảo tưởng hiểu biết chứ
không phải hiểu biết thực. Thật vậy, không ai biết chết là gì, có phải
là điều tốt lành nhất cho con người chăng; ấy thế mà ai cũng sợ chết,
như thể đã biết chắc chắn rằng nó là điều bất hạnh nhất. Có phải đấy là
sự ngu dốt đáng cho ta xấu hổ nhất không, khi tưởng rằng biết điều mình
không biết? Riêng đối với tôi, có lẽ tôi chỉ khác phần lớn người trần ở
điểm ấy, và nếu tôi dám nghĩ rằng mình hiểu biết hơn họ chút đỉnh, thì
đó chính là ở thái độ này: không biết là chuyện gì sẽ xảy ra sau khi lìa
đời, tôi cũng không tưởng rằng mình biết chi về cõi Hadès[21]. Nhưng
điều tôi biết chắc chắn là: sống không công chính, không nghe lời kẻ hơn
mình dù là thần hay người, là trái với bổn phận và danh dự. Đấy mới là
điều xấu xa mà tôi sợ và tìm cách trốn tránh, bởi vì tôi biết rõ nó là
điều xấu xa, chứ không phải những điều giả định là xấu xa trong khi có
thể thực sự là tốt lành.
Vì thế, ngay cả trong trường hợp quý
vị tha bổng tôi bây giờ, thay vì nghe theo chọn lựa mà Anytos đã đặt ra
cho quý vị: hoặc đừng bao giờ truy tố Socrate, hoặc nếu đã lôi hắn ra
tòa thì phải kết án tử chứ đừng để thoát; bằng không thì chính con cháu
quý vị, từ lâu đã gắn bó với học thuyết Socrate như thế, chắc chắn sẽ
ngày càng hư hỏng thêm, vô phương cứu chữa. Nếu quý vị nói với tôi: Này
Socrate, chúng tôi bác bỏ luận điệu của Anytos và trả tự do cho ông, với
điều kiện là: hoặc từ nay ông phải ngừng triết lý, bỏ thói quen tìm tòi
chất vấn; hoặc ông sẽ bị xử tử, nếu vẫn quen tật cũ mà bị phát hiện trở
lại. Vâng, nếu quý tòa phóng thích tôi với những điều kiện như trên,
tôi sẽ trả lời không chút đắn đo: Thưa quý công dân Athènes, tôi kính
yêu quý vị, nhưng tôi quyết vâng lời thần hơn là tuân lệnh quý vị, và
khi nào còn chút hơi sức, tôi sẽ không ngừng sống đời triết gia, khuyên
nhủ và khuyến cáo quý vị, nói với bất cứ ai gặp gỡ trên đường bằng ngôn
ngữ quen thuộc: Này bạn, là công dân Athènes, thành quốc tăm tiếng và
lớn mạnh nhất về tinh thần cũng như vật chất, bạn không hổ thẹn chỉ lo
làm giàu, tìm kiếm danh vọng mà xem thường việc trau dồi hiểu biết, tu
dưỡng tâm hồn với đức hạnh hay sao? Và nếu có ai cho rằng mình vẫn luôn
luôn chăm lo việc học hỏi và đức hạnh, tôi sẽ không vội tin lời anh ta,
rồi không rời y một bước, tôi sẽ hỏi han, xem xét, thử thách anh ta, và
nếu tôi phát hiện ra rằng y chỉ giả bộ chứ không có chút đức hạnh nào,
tôi sẽ làm cho anh ta phải xấu hổ là đã đánh giá quá thấp những điều cao
quý nhất, và quá cao những chuyện phù phiếm. Socrate này sẽ làm như thế
với bất cứ ai tôi gặp, dù trẻ hay già, công dân hay ngoại kiều, nhưng
nhất là với các công dân, bởi vì quý vị là đồng bào của tôi. Và xin quý
vị hiểu cho: đấy là lệnh của Thần Apollon, và tôi tin rằng không thể có
lợi ích nào lớn hơn cho thành quốc ta bằng nhiệt tình thực hiện lời Thần
của tôi.
Thật vậy, khi lang thang khắp đường phố, tôi không
đeo đuổi mục đích nào khác hơn là thuyết phục quý vị, không phân biệt
già trẻ, rằng hãy chăm lo sự hoàn thiện của tâm hồn trước khi lo nghĩ về
thân xác với của cải, và trước hết mọi thứ khác. Tôi không ngừng nói
với quý vị rằng của cải không phải là đức hạnh, mà ngược lại, đức hạnh
là của cải, và chính từ đức hạnh mà xuất phát mọi lợi ích công hoặc tư
khác. Nếu phát biểu như thế là làm thanh niên hư hỏng, thì loại biểu văn
trên đúng là độc dược; nhưng nếu có ai cho rằng tôi nói chi khác, thì
người ấy nói láo, hay đánh lừa quý vị. Trước sự thể này, ngày nay tôi
chỉ cần thưa với quý vị: có làm theo khuyến cáo của Anytos hay không, có
trả tự do cho tôi hay không, không thành vấn đề; tôi sẽ chẳng bao giờ
làm chuyện chi khác, dù phải bỏ mạng nghìn lần.
Thưa quý công
dân Athènes, xin chớ xì xào và chịu khó lắng nghe đến cùng như tôi đã
yêu cầu; sự nhẫn nại này sẽ không vô ích cho quý vị. Có thể tôi còn phải
nói nhiều điều khác sẽ làm quý vị bực mình hơn, nhưng xin quý vị đừng
để bị dao động bởi những cơn phẫn nộ. Hãy tin chắc rằng nếu quý vị xử tử
tôi, quý vị sẽ gây thiệt hại cho chính quý vị hơn là cho tôi, nếu quả
thật tôi là người như đã trình bày. Thật thế, cả Anytos lẫn Mélètos đều
không thể hãm hại tôi; họ không thể làm được, bởi vì tôi không nghĩ rằng
kẻ xấu ác lại có năng lực làm hại người tốt lành. Có thể họ làm cho tôi
bị kết án tử, đi đày hay mất quyền công dân, và xem đấy như những bất
hạnh lớn. Nhưng tôi không chia sẻ ý kiến này; đối với tôi, bất hạnh lớn
nhất là điều mà những kẻ buộc tội tôi đang làm hôm nay: tìm cách đẩy
người vô tội vào chỗ chết.
Giờ đây, thưa quý đồng hương, xin
chớ nghĩ rằng tôi tự biện vì bản thân tôi như người ta có thể tưởng, mà
chính là biện hộ cho quý vị, vì e rằng khi kết án tôi, quý vị sẽ xúc
phạm đến vị Thần đã gửi tôi đến đây như một tặng phẩm cho thành quốc.
Nếu bắt tôi phải chết, quý vị sẽ không tìm lại được dễ dàng một công dân
khác như tôi, dường như đã được trói vào thành quốc như một con ruồi
trâu trên lưng ngựa, dù sự so sánh này có vẻ lố bịch. Tuy to lớn và khỏe
mạnh, nhưng lại nặng nề chậm chạp do chính sự dềnh dàng của mình, con
ngựa cần được ruồi chích để thúc đẩy, kích thích. Giống như thế, dường
như Thần đã trói tôi vào thành quốc để thức tỉnh, kích thích, quở trách
mỗi công dân trong quý vị, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, không ngừng,
không nghỉ.
Một người như thế không dễ tìm. Và nếu quý đồng
hương tin tôi, quý vị phải trả tự do cho tôi. Nhưng có thể là quý vị bực
mình như bao kẻ bị đánh thức khi đang say ngủ, và nghe theo lời xúi bẩy
của Anytos, sẵn sàng bắt tôi chết không chút đắn đo, rồi ngủ lịm triền
miên trở lại, trừ phi vì lòng thương hại, Thần Apollon lại gửi đến một
người khác để thay tôi. Dù sao, quý vị có thể nhận ra rằng chính Ngài đã
gửi tôi như tặng phẩm cho thành quốc qua dấu hiệu này: có cái gì cao
hơn con người trong sự kiện tôi đã lơ là với đời tư của mình trong bao
năm liền để chăm sóc đời sống của quý vị, đến với từng người một như chỉ
có bậc cha anh mới có thể làm, và không ngừng khuyến khích mỗi người
luôn luôn trau dồi đức hạnh. Nếu tôi rút ra được chút lợi lộc gì hay
đồng lương nào từ sự cổ võ ấy, hành động của tôi còn có thể giải thích
được. Nhưng như quý vị thấy, ngay cả những kẻ đã truy tố, phỉ báng tôi
với ngần ấy trâng tráo, cũng không đủ liều để thử tìm người làm chứng
rằng tôi đã từng đòi hỏi được trả công dù chỉ một lần. Ngược lại, tôi có
thể đưa ra một nhân chứng không thể phản bác rằng lời khai của tôi là
hoàn toàn trung thực: đó là sự nghèo khó của chính Socrate này.
Nhưng có thể là thái độ bất nhất chăng, khi tôi cứ lang thang trên
đường phố, can thiệp vào chuyện người khác, tự nguyện góp ý kiến cho mỗi
người, mà chưa bao giờ có can đảm tham gia vào đại hội quốc dân, lên
diễn đàn làm cố vấn cho thành quốc. Thưa quý đồng hương, điều đã ngăn
cản tôi chính là một dấu hiệu của thần linh hay quỷ thần[22] mà nhiều
người trong quý vị thường nghe tôi nhắc đến, mà Mélètos đã đùa cợt đem
ra làm tội lỗi chính của tôi trong cáo trạng. Hiện tượng khác thường này
đã xuất hiện từ khi tôi còn thơ; đấy là một thứ tiếng nói tôi chỉ nghe
thấy khi nó muốn ngăn cản tôi làm điều dự định, nhưng không bao giờ
khuyến khích tôi thực hiện điều gì. Nó luôn luôn phản đối mỗi khi tôi
muốn tham gia vào chính trường, và phải nói là nó phản đối đúng và đúng
lúc; bởi vì, xin quý vị biết cho: nếu làm chính trị thì Socrate này có
lẽ đã bỏ mạng từ lâu rồi, và chắc chắn đã chẳng mang lại lợi ích gì cho
cả quý vị lẫn cho bản thân mình. Và xin quý vị chớ nổi giận nếu tôi nói
ra đây một sự thực: chẳng ai có thể sống sót nếu dám đương đầu với quý
vị hay với bất kỳ một tập hợp quần chúng nào khác. Không, dù ở đây hay ở
đâu, chẳng ai có thể thẳng thắn ngăn cản sự đam mê của số đông, không
để nó dẫn đến những hành động bất hợp pháp hay bất công trong xã hội mà
lại không hề hấn gì. Nếu muốn đấu tranh cho công lý mà không chết sớm,
chỉ có cách là làm thường dân và không tham dự vào chính quyền.
Ở đây, tôi có thể đưa ra nhiều chứng cớ không thể chối cãi, không phải
là lý luận mà là sự kiện, điều luôn luôn được quý vị trọng thị hơn. Xin
lắng nghe những chuyện đã xảy ra cho tôi; quý vị tất sẽ hiểu rằng tôi
không bao giờ nhượng bộ ai vì sợ chết khi làm bổn phận hay bảo vệ công
lý, dù hành động như thế luôn luôn là đâu mặt với tử thần. Tôi sẽ nói
với quý vị những điều quý vị không thích nghe, còn có thể xem là thói ba
hoa của thuật biện luận thông thường; tuy nhiên, tất cả đều là sự thật.
Như quý công dân biết, công vụ duy nhất mà tôi đảm nhận cho đến nay là
vai trò đại biểu. Khi đến lượt bộ tộc Antiochide mà tôi tùy thuộc nắm
quyền điều khiển Hội Đồng Bộ Tộc, ngược với tất cả luật lệ thành quốc,
quý vị khăng khăng đòi xử tập thể mười tướng lãnh đã không vớt xác những
chiến binh bỏ mạng trong trận thủy chiến ở vùng đảo Arginuses; một sự
bất hợp pháp mà quý vị công nhận và ân hận về sau. Nhưng lúc ấy, tôi là
đại biểu duy nhất của thành quốc đã dám vạch ra sự vi phạm luật pháp đó,
và biểu quyết chống quý vị. Mặc dù nhiều diễn giả liên tục đăng đàn doạ
ngưng chức và đem tôi ra xử, trong khi quý vị không ngừng gào la kích
thích họ, tôi vẫn thà chịu nguy nan đứng về phía pháp luật và công lý
hơn là theo đuôi quý vị làm điều bất chính vì sợ gông cùm và tử thần.
Chuyện trên xảy ra vào thời thành quốc còn dưới chế độ dân chủ. Khi nền
chuyên chính của ba mươi bạo chúa được dựng lên, theo thói quen gây
liên lụy cho càng nhiều người càng tốt khi hành xử độc ác, họ gọi tôi
cùng bốn công dân khác đến dinh Tholos rồi sai chúng tôi đi Salamine bắt
một công dân đối lập tên là Léon về hành quyết. Vào dịp đó, tôi cũng đã
chứng minh, không phải bằng lời nói mà bằng hành động, rằng tôi xem cái
chết tựa lông hồng, nếu quý vị cho phép tôi dùng lại thành ngữ đã nhàm
tai này, rằng điều quan tâm duy nhất của tôi là tránh làm chuyện bất
công và nghịch đạo, ngay cả quyền lực kinh khủng của ba mươi bạo chúa
lúc ấy cũng không làm tôi nao núng. Ra khỏi dinh Tholos, tôi về thẳng
nhà, trong khi bốn công dân kia đi Salamine tìm bắt Léon. Nếu chính
quyền tàn bạo kia không bị lật đổ ngay sau đó, sự bất tuân của tôi chắc
chắn đã đưa tôi đến chỗ chết. Điều này, không thiếu gì người trong số
quý vị có thể xác nhận như nhân chứng.
Quý vị có thể tin nổi
chăng là tôi vẫn cứ sống lâu như cho đến nay, nếu tham gia vào chính
trường đồng thời sẵn sàng đạp lên tất cả để chỉ phục vụ công lý như kẻ
toàn thiện? Thật khó lòng, thưa quý đồng hương; dù là tôi hay ai khác
cũng không thể làm được. Suốt đời, tôi luôn luôn sống như thế trước mắt
mọi người, khi có dịp tham chính cũng như trong quan hệ riêng tư, không
nhân nhượng bất kỳ ai khi công lý bị đe dọa, dù là bạo chúa hoặc thành
phần mà kẻ vu khống tôi cố tình trình bày như đệ tử [23]. Tôi chưa hề
xưng là thầy của ai, song nếu có ai muốn đàm thoại với tôi, muốn xem tôi
thực hiện sứ mạng của mình như thế nào, tôi chưa bao giờ để họ thất
vọng, bất luận già trẻ lớn bé. Tôi không thuộc loại người chỉ phát biểu
để lấy tiền và giữ im lặng khi không ai trả thù lao; không phân biệt
giàu nghèo, tôi luôn luôn để mọi người chất vấn, hoặc trả lời câu tôi
hỏi rồi nghe bàn luận, tùy theo sở thích của mỗi người. Nếu trong số
công dân ấy, về sau có kẻ trở thành hoặc lương thiện, hoặc bất lương,
thì tôi cũng không phải là người đáng được ca ngợi hay quở trách như
nguyên nhân, bởi vì tôi chưa bao giờ hứa hẹn dạy dỗ ai, hay ban phát cho
ai bài học nào cả. Và nếu có kẻ nào khẳng định đã từng nghe hay học
riêng ở tôi chuyện gì ngoài những điều tôi vẫn phát biểu công khai trước
mọi người, thì xin quý vị cứ yên trí rằng đấy chỉ là chuyện bịa đặt.
Chắc bây giờ quý vị đã hiểu vì sao nhiều người năng lui tới trò chuyện
lâu dài với Socrate. Tôi đã giải thích rõ, với tất cả sự thực: đó là vì
người ta thích nghe tôi khảo sát những kẻ tưởng mình thông thái nhưng
thực ra chẳng có chút hiểu biết nào, và nhất định là cảnh tượng đó phải
khá thú vị. Và cho tôi nhắc lại: tôi chỉ hành động như thế để thực hiện
mệnh lệnh mà Thần đã truyền cho tôi qua lời phán, qua mộng triệu hay các
phương tiện khác mà chưa thần linh nào đã dùng để truyền đạt ý muốn của
mình cho người trần. Muốn biết những điều tôi vừa nói có đúng với sự
thực hay không, quý vị có thể kiểm soát dễ dàng. Bởi vì nếu tôi có khả
năng làm thanh niên hư hỏng và đã từng làm thế trong quá khứ thật, hẳn
những nạn nhân của tôi nay phải nhận ra với tuổi tác rằng những điều tôi
khuyên bảo họ thời trẻ là độc hại, và hoặc họ đích thân đến tòa đòi
trừng phạt tôi, hoặc nếu không muốn tự tay làm việc ấy, nhờ cha anh hay
thân nhân của họ thay mặt đòi trị tội. Dù sao, tôi thấy rất nhiều người
có thể ở trong trường hợp trên tại đây. Đây là Criton, cùng tuổi và cùng
bộ tộc với tôi, bố của Critobule; rồi Lysanias ở Sphettos, cha của
Eschine; cả Antiphon ở Céphise, bố của Épigenès nữa. Kia là những người
có anh hoặc em thường lui tới với tôi: anh em Nicostrate với Théodote,
con của Théozotidès; anh em Paralios với Théagès, con của Démodocos; anh
em Adimante với Platon, con của Ariston; anh em Acéantodore với
Apollodore... Và tôi còn có thể nêu tên nhiều người khác nữa, tất cả đều
có mặt. Lẽ ra Mélètos cũng phải mời ít nhất một người ra làm chứng cho
ông ta; và nếu vì y không nghĩ đến, xin cứ mời bây giờ, tôi cho phép;
nếu ông ta có thể đưa ra một nhân chứng buộc tội, xin cứ tự tiện. Nhưng
quý vị sẽ thấy là ngược lại; họ đều sẵn sàng bênh vực tôi cả, tôi, kẻ đã
làm hư hỏng con em họ, nếu phải tin lời Mélètos và Anytos. Có thể đúng
là những thanh niên bị tôi quyến rũ đều có lý do để bảo vệ tôi, nhưng
còn thân nhân họ mà tôi chưa hề quyến rũ nổi, tuổi tác lại cao, họ có lý
do gì để bênh vực tôi, ngoài sự ngay thẳng và công chính, ngoài niềm
tin rằng Mélètos gian dối trong khi Socrate tôi nói thực?
Thưa
quý công dân Athènes, như thế tưởng cũng đã đủ. Vì những luận cứ mà tôi
còn có thể dùng để tự vệ đại loại cũng tương tự. Nhưng trong số quý vị,
có thể có người bực mình với tôi, khi nhớ lại rằng trong một phiên xử ít
nguy hiểm hơn, ông ta đã phải dầm dề nước mắt năn nỉ, van xin các vị
thẩm phán, và để họ động lòng trắc ẩn, mang cả cha mẹ, con cháu, bạn bè
ra trình diện trước tòa, trong khi tôi không làm như thế mặc dù tự biết
đang phải đương đầu với nguy nan lớn nhất. Luẩn quẩn trong đầu, khác
biệt ấy có thể làm ông ta cay đắng, và bực tức với cách hành xử của tôi,
sẽ giận dữ bỏ phiếu kết án. Tôi không tin rằng có ai mang trong lòng sự
ấm ức ấy, song nếu chẳng may mà có, tôi có thể nói lý với ông ta: này
bạn, tôi cũng có bố mẹ, bởi vì nếu nói như Homère thì tôi sinh ra từ
người chứ không phải từ cây sồi hay tảng đá. Về con cái, tôi cũng có ba
đứa, một đã lớn, hai đứa kia còn nhỏ; tuy nhiên, tôi sẽ không mang chúng
ra đây để xin quý vị xá tội. Không phải vì ngoan cố ngạo mạn, cũng
không phải vì xem thường quý tòa; vấn đề cũng không phải là tôi gan dạ
hay yếu đuối trước cái chết.
Thật ra, vì danh dự của tôi, của
quý vị và của cả nền cộng hòa nữa, tôi thấy không nên dùng loại phương
tiện đó, ở vào tuổi này và với tiếng tăm dù hư hay thực của tôi, bởi vì
dù sao thì Socrate cũng còn hơn kẻ phàm phu đôi chút theo ý kiến của số
đông. Nếu trong số quý vị có ai được xem là hơn người ở sự hiểu biết,
lòng can đảm hay bất kỳ một đức hạnh nào khác mà lại hạ mình xử sự như
thế thì quả là đáng xấu hổ; tuy nhiên, sự thực là tôi thường nhìn thấy
lắm kẻ được xem là cao quý làm nhiều chuyện thấp hèn bất ngờ trước tòa,
như thể bị kết án chết là bất hạnh khủng khiếp nhất, như thể là họ có
thể sống bất tử nếu được tha. Hạng người như thế làm nhục thành quốc,
bởi vì họ làm cho kẻ ngoại thành nghĩ rằng những nhân vật đã được dân
Athènes này xem như đức hạnh nhất, hoặc chọn lựa để thay họ nhận lãnh
các trách vụ và phẩm tước công cộng, thật ra chẳng khác gì đàn bà. Thưa
quý tòa, đấy là điều mà những kẻ ít nhiều có tiếng tăm như chúng tôi
không nên làm để giữ danh giá; và đấy là điều mà quý vị cũng không nên
để cho xảy ra vì vinh dự của thành quốc, và nếu chúng tôi có lỡ làm,
không nên chấp nhận, mà ngược lại phải trừng phạt rõ ràng bằng cách kết
tội kẻ đã đến đây để mưu diễn các màn kịch thương tâm kia, và qua đó làm
cho thành quốc trở thành lố bịch, thay vì kết án người bình tĩnh ngồi
chờ án lệnh.
Nhưng thưa quý công dân Athènes, ngoài chuyện danh
dự, đối với tôi công lý còn đòi hỏi rằng sự trắng án không thể đạt được
nhờ van xin, rằng chúng ta không được xin xỏ, mà ngược lại, phải trình
bày sự kiện và thuyết phục các vị thẩm phán. Bởi vì các vị không dự họp
để biến công lý thành một ân huệ, mà để xét xem thế nào là công chính;
quý vị đã tuyên thệ không xét xử tùy tiện theo lợi quyền hay sở thích mà
theo luật lệ. Thế nên chúng tôi không thể làm cho quý vị quen thói bội
thề, và quý vị cũng không nên tự để vướng vào thói quen đó, nếu không cả
hai bên đều đắc tội với thần thánh. Như vậy, xin quý vị chớ trông đợi
rằng tôi sẽ cầu viện đến loại phương tiện mà tôi xem là không lương
thiện, không công chính, không sùng kính - nhất là khi đang bị Mélètos
ngồi kia buộc tội không tin là có thần linh. Bởi vì, nếu tôi làm quý vị
mềm lòng bằng lời van xin, và làm quý vị vi phạm lời tuyên thệ, chính
lúc đó mới thật là tôi dạy quý vị sự bất sùng kính, và vì muốn tự vệ, đã
vô tình tự buộc tội rằng mình không tin là có thần thánh. Nhưng thưa
quý vị, sự thật hoàn toàn ngược lại. Tôi tin thần thánh hơn bất cứ ai
trong số những kẻ buộc tội tôi. Và tôi tin tưởng tự đặt số phận vào tay
quý tòa cùng vị Thần ở đền Delphes, chờ xem quyết định nào là tốt nhất,
không chỉ cho tôi mà cho cả quý vị.
(Hết phần 1)
PHẠM TRỌNG LUẬT dịch và chú thích
[1] Về tổ chức chính trị của Athènes nói chung, và tư pháp nói riêng,
xem chú thích số 13 trong bài Phật và Socrate I của Phạm Trọng Luật.
Phiên tòa xử Socrate thuộc hệ thống toà án Héliée, với một hội thẩm đoàn
khoảng 500 người. Sự kiện Socrate không gọi hội thẩm đoàn là «quý tòa»
ngay từ đầu có thể hàm ý vì ông chưa thể biết họ có công chính, và do
đó, có xứng đáng được gọi như thế hay không trước khi họ tuyên án.
[2] Trong các phiên tòa mà tội vi phạm và hình thức trừng phạt chưa
được quy định bởi luật pháp đương thời như ở đây, thủ tục xử tuân theo
một trình tự gồm nhiều giai đoạn. Ở phần đầu, sau khi cáo trạng được
tuyên đọc, bên nguyên phát biểu và kết thúc bằng một đề nghị định tội,
sau đó bên bị lên tiếng tự bênh vực hay đọc bài biện hộ do người khác
viết, trước khi hội thẩm đoàn bỏ phiếu quyết định có tội hay không. Ở
phần sau, nếu bị cáo bị xem là có tội, bên nguyên lại phát biểu để bênh
vực hình thức trừng phạt đề nghị, bên bị cũng được quyền lên tiếng để
xin một hình thức nhẹ hơn, cuối cùng hội thẩm đoàn bỏ phiếu lần cuối để
chọn một trong hai đề nghị.
[3] Quảng trường Agora, nơi tập trung mọi sinh hoạt công cộng của thành quốc Athènes.
[4] Ngày xử, cả hai bên nguyên và bị cáo đều có thể mang theo nhân
chứng, thân nhân và người ủng hộ. Và những người đến nghe xử thời đó đều
có thể, và thường bộc lộ tình cảm của mình một cách công khai và ồn ào.
[5] Ba nguời buộc tội Socrate là Anytos, Mélètos và Lycon. Nhà thơ
Mélètos là kẻ đã thảo và nộp đơn kiện, 2 người kia chỉ ký tên xác nhận,
nghĩa là chịu chia sẻ hậu quả nếu thất bại. Nhưng Anytos, thợ thuộc da,
biện sĩ, đồng thời là một thủ lãnh của đảng dân chủ đã từng làm đến chức
tư lệnh, đã từng ra tòa và thoát án nặng nhờ hối lộ, mới thực là kẻ chủ
mưu. Lycon cũng thuộc về giới biện sĩ, nhưng ít được biết đến. Nói
chung, cả 3 đã bắt tay nhau để hãm hại Socrate, một mặt, vì hận thù tập
đoàn (những kẻ sống bằng miệng lưỡi), mặt khác, vì quyền lợi đảng phái
(đảng dân chủ): kiến thức của giới biện sĩ cũng như của giới lãnh đạo
chính trị luôn luôn là đối tượng nghi ngờ, phê phán, thử thách, đôi khi
giễu cợt của triết gia.
[6] Thời trẻ, Socrate có giao du với nhóm
triết gia mà ngay nay chúng ta gọi là «tiền Socrate», và với trường phái
biện sĩ. Hai điểm đầu của cáo trạng liên hệ Socrate với nhóm thứ nhất
và điểm cuối với nhóm thứ hai, trong khi triết lý của Socrate về sau
thật sự đã hoàn toàn đoạn tuyệt, nếu không muốn nói là trái ngược với
các khuynh hướng này.
[7] Aristophane, tác giả một hài kịch mang
Socrate ra giễu tựa là Mây, trong đó ông xem Socrate như thuộc trường
phái biện sĩ, có khả năng «biến các luận điệu yếu kém thành luận cứ vững
vàng», theo công thức trứ danh của Protagoras, song với hàm ý Socrate
bênh vực mọi điều trái với sự thực và công lý.
[8] Mỗi phiên xử
thường diễn ra suốt ngày và được chia làm 3 phần bằng nhau : 1/3 cho bên
nguyên, 1/3 cho bên bị, và phần chót để định tội, mỗi phần khoảng 2
giờ. Thời gian được đo lường bằng một thùng nước to thủng đáy, đóng bằng
nút. Khi mỗi bên bắt đầu nói, nút đóng được rút ra; đến lúc thùng đã
chảy hết nước, diễn giả phải ngừng.
[9] Gorgias là người ở
Leontium, Prodicos ở đảo Céos, và Hippias gốc ở Elis, tất cả đều là
những người nói năng giỏi, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng về thuật hùng
biện.
[10] Một min [mine] thời đó là 100 đrắc [drachme], và 1 đrắc
là lương trung bình mỗi ngày của tay thợ khéo. Thù lao của Evenos như
vậy là 500 đrắc, gần 2 năm lương thợ.
[11] Từ Hy Lạp được dịch là
«sagesse» hay «wisdom» khởi đầu chỉ có nghĩa «hiểu biết» một cách tổng
quát. «Sage» cũng đồng nghĩa với «savant», như trong bản dịch của Luc
Brisson mà chúng tôi tham khảo thêm ở đây. Vì thế, trong bản dịch sang
tiếng Việt này, chúng tôi dùng «hiểu biết», «thông thái» hay «kiến thức»
tùy trường hợp và ngữ cảnh. Chỉ từ sau Socrate, từ «sagesse» và «sage»
mới chủ yếu mang ý nghĩa đạo lý mà nhiều người nay dịch là «sự hiền
minh», «nhà hiền triết» hay «người hiền».
[12] Đền Delphes là nơi
thờ một trong các vị thần tiên tri [dieu-devin] nổi tiếng nhất cổ Hy Lạp
là Apollon. Lời phán của thần qua trung gian của đồng cô rất được người
đương thời tìm hỏi, tin theo và đóng một vai trò chính trị, văn hoá
quan trọng cho mãi đến thời Kitô giáo.
[13] Chéréphon được gọi là
«công dân tốt» hay «bạn của nhân dân» vì ông ta cũng thuộc đảng dân chủ
như những kẻ buộc tội Socrate. Ông đã đóng một vai trò chính trị thực
sự, bị đi đày, và chỉ trở về Athènes được khi nền chuyên chính của ba
mươi bạo chúa bị lật đổ.
[14] Kẻ được chọn làm đồng cô khởi thủy
phải là một cô gái ít hiểu biết nhưng trinh trắng và xinh đẹp, về sau vì
xảy ra chuyện một cô bị bắt cóc hay hãm hiếp, chức năng này được giao
phó cho người cao tuổi.
[15] Đây là lời thề bình dân khá thông dụng
ở Athènes thời ấy, gọi là «lời thề Rhadamante», có lẽ hàm chỉ Anubis,
vị thần đầu chó của Ai Cập. Dùng lời thề này trong khi bị kết tội là
mang ngoại thần vào thành quốc, có lẽ Socrate muốn nói sự du nhập ngoại
thần vào Athènes đã có trước ông, và ở một mức độ rộng rãi hơn kẻ buộc
tội ông có thể tưởng.
[16] Ở đây, từ này chỉ tất cả những người làm
việc bằng tay, không phân biệt như chúng ta ngày nay hai giới nghệ sĩ
và tiểu công nghệ.
[17] Đức hạnh trong ngôn ngữ của Socrate, có nghĩa là trở thành một con người và một công dân tốt.
[18] Bình thường, đàn ông gọi tên thần Zeus và đàn bà gọi tên nữ thần
Héra khi thề thốt. Theo nhiều tác giả, Socrate cũng hay gọi tên Héra để
thề, khi hàm ý ngưỡng mộ mỉa mai.
[19] Thời ấy, việc đọc sách to
trước khán thính giả phổ biến hơn lối đọc yên lặng một mình. Câu này, do
đó, chỉ việc đọc sách công cộng trên sân khấu ở quảng trường.
[20]
Từ quỷ thần ở đây chỉ loại quyền lực nằm giữa thần và người nói chung,
có khi gắn liền với thành quốc, có khi chỉ tác động trên một cá nhân.
[21] Trong thần thoại Hy Lạp, Hadès là tên vị thần cai quản âm cõi, và do đó, cũng là tên của cõi chết.
[22] Cái tiếng nói quỷ thần chỉ biết ngăn cản chứ không bao giờ khuyến
khích Socrate làm điều gì ngày nay mang tên khác là lương tri.
[23]
Socrate bị buộc tội đã làm thanh niên hư hỏng một phần lớn vì hành
tung bất hảo của hai công dân thường lui tới với ông là Critias và
Alcibiade. Về 2 nhân vật này, xem chú thích số 21 và 22 trong bài Phật
và Socrate I của Phạm Trọng Luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét