Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Giới hạn quyền lực công vụ trong các mối quan hệ xã hội

nguồn: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/807868/gioi-han-cua-quyen-luc-cong-vu-trong-cac-moi-quan-he-xa-hoi.
Trước hết nói về người thừa hành công vụ. Về nguyên tắc, cán bộ, nhân viên đang thừa hành công vụ, gọi theo cách khác là thực thi QUYỀN LỰC CÔNG VỤ (cho phép hoặc không cho phép), là người đại diện cho quyền lực nhà nước dù chỉ là một nhân viên hành chính, bảo vệ hay công an ở cấp thôn, xã... Vì là người đại diện cho quyền lực nhà nước thực thi quyền lực công vụ nên họ phải ứng xử trong mối quan hệ với công dân theo những quy định pháp lý. Và đây là quan hệ giữa con người với con người nên bên cạnh tuân theo quy định pháp lý họ phải tuân theo những quy tắc đạo đức mà xã hội công nhận.
Không ai nghi vấn quyền lực mà Nhà nước trao cho cán bộ công vụ nhưng việc sử dụng quyền lực công vụ lại phụ thuộc vào năng lực, đặc biệt là phẩm chất của người cán bộ công vụ.Có thể thấy về lý thuyết hầu hết các cơ quan nhà nước đều quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người thực thi quyền lực công vụ.Song, bản chất người là luôn lợi dụng quyền lực công vụ để thỏa mãn cơn khát về danh, phận (cũng là một thứ trục lợi), tiền tài.Một khi con người được trao quyền lực họ sẽ có xu hướng nghĩ rằng quyền lực công vụ luôn dành cho họ, và họ có quyền nắm giữ suốt những năm tháng làm việc, trong quá trình nắm giữ muốn sử dụng như thế nào là quyền của họ. Do đó họ đã ứng xử với người dân đến "nhờ vả" theo cách trịch thượng để có được kết quả đúng như những gì họ muốn. Dưới mắt họ, những công dân đến với họ vì quyền lợi (dù là hợp pháp, chính đáng hoặc không) đều "tối dạ" hoặc "ngang ngạnh coi thường thẩm quyền" của họ. Chính vì thế mà có những người thường xuyên gia tăng cách hành xử phi văn hóa đối với người dân. Khi hành xử phi văn hóa như vậy thì họ bị người dân căm ghét. Nhưng thái độ căm ghét của người dân lại là chất xúc tác tiêu cực để hành vi phi văn hóa trong một bộ phận cán bộ công vụ - nhất là ở cấp cơ sở của hệ thống chính quyền - gia tăng. Trong nhiều trường hợp, họ dùng vũ lực để khẳng định vị trí và quyền lực trước những người dân đang căm ghét họ ra mặt để buộc ai đó phải nể sợ. Ngược lại, nếu được ca ngợi và được ve vuốt bằng những lợi ích vật chất (còn được gọi là chất bôi trơn) họ sẽ giải quyết công việc dựa trên sự thiên vị nhuốm màu tiền bạc và sự thỏa mãn quyền lực.
Thực ra họ ảo tưởng về chính mình, vì quyền lực công vụ là của Nhà nước, họ chỉ được Nhà nước giao cho chứ không phải con người họ tạo nên quyền lực. Sự ảo tưởng khác nhau dẫn đến sự lạm dụng quyền lực ở mức độ khác nhau. Họ cố tình không biết rằng Nhà nước cho họ mọi thứ, còn họ đang làm hại Nhà nước bằng việc lạm dụng quyền lực công vụ được giao để trục lợi. Khi tiếp xúc với những cán bộ công quyền và bị đối xử phi văn hóa làm cho người dân có cảm thức mất tự do và bị xúc phạm. Nếu tình trạng lạm dụng quyền lực công vụ để làm bậy trở nên phổ biến sẽ đưa đến thảm họa cho xã hội và chế độ, sẽ làm tan vỡ cả hệ thống nhà nước mà không cần một cuộc chiến tranh nào.
Hầu hết những vụ người thi hành công vụ lợi dụng quyền lực công vụ để đe dọa, xúc phạm, hành hung người khác (hoặc ngược lại) chưa được xử lý triệt để, mà chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính hoặc tự thỏa thuận giải quyết với nhau. Trong chúng ta ít nhất cũng một vài lần thất vọng khi chứng kiến việc xử lý một vài vụ việc theo mô hình "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", hoặc "để lâu... hóa bùn". Cái hố đen khoảng cách giữa việc thụ lý "kiên quyết" ban đầu và kết quả xử lý cuối cùng ngày càng sâu hơn, rộng hơn, sẽ làm cho người ta mất lòng tin vào sự công minh và nguyên tắc bất vị thân trong thực thi pháp luật - ít nhất là về mặt lý thuyết. Do đó, những cán bộ lợi dụng quyền lực công vụ để trục lợi về tinh thần, vật chất (hoặc ngược lại) luôn trở thành gánh nặng (nếu không nói là lực lượng phản lại sự vận động) của quá trình phát triển. Việc cần có chiến lược để gỡ bỏ gánh nặng - lực lượng chống lại sự phát triển, là hết sức cần thiết.
Chúng ta không thể xây dựng và phát triển đất nước dựa trên tình trạng phổ biến tham nhũng và thái độ ứng xử tồi tệ của cán bộ công vụ đối với người dân. Xã hội phát triển cũng không phải được xây nên từ sự từ bỏ nền tảng pháp lý và đạo đức, cũng không phải từ sự thỏa hiệp những lợi ích phi pháp của những cá nhân và một bộ phận xã hội. Xử lý nghiêm, loại bỏ những người vi phạm ra khỏi bộ máy vận hành là hết sức cần thiết. Chỉ khi cá nhân được đặt trong các mối quan hệ công vụ thì cá nhân đó mới là người đại diện của tổ chức, còn khi cách li khỏi quyền lực công vụ thì họ không còn có giá trị đại diện. Trong những giải pháp cải cách công vụ là phải kiên quyết sa thải những người lợi dụng quyền lực công vụ để trục lợi, xử lý nghiêm minh bằng biện pháp pháp lý những người lợi dụng quyền lực công dân, quyền lực báo chí và cả quyền lực công vụ để bắt người khác thực hiện theo lợi ích phi pháp của mình. Không ai đứng trên pháp luật, dù họ là ai - đó là nguyên tắc của một xã hội tiến bộ,văn minh. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét