Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Bàn về tự do (John Stuard Mill _ Nguyễn Văn Trọng dịch) tóm tắt 1 (trang 17-23)

Bàn về tự do: bàn về tự do dân sự (tự do xã hội): tức là bàn về các giới hạn của quyền lực mà xã hội (nhà nước, chính phủ) có thể thực thi một cách chính đáng đối với cá nhân (công dân). Đây là vấn đề thực tế của thời đại, và chẳng bao lâu nữa người ta phải thừa nhận như là vấn đề sinh tử của tương lai.
Cuộc đấu tranh giữa tự do và quyền uy (quyền lực nhà nước) là đặc trưng nổi bật nhất của phần lớn lịch sử chúng ta, đặc biệt là trong lịch sử Hi Lạp, La Mã và nước Anh. Nhưng vào thời cổ xưa, đây là cuộc tranh đoạt giữa dân chúng (một giai cấp) với chính quyền. Quyền tự do thời đó là sự bảo vệ chống lại chuyên chế của kẻ nắm quyền chính trị. Kẻ cầm quyền bị coi là ở vị trí đối kháng với những người mà họ cai trị. Kẻ cầm quyền có thể là một phe nhóm hay một giai tầng, nắm giữ quyền uy do thừa kế hay chinh phục, nhưng trong trường hợp nào đi nữa cũng đều không phải do ý nguyện của người bị trị. Dù có vận dụng các biện pháp phòng vệ nào đi nữa nhằm chống lại các hành động áp bức, người ta cũng không dám ước mong tranh đoạt quyền tối thượng này. Quyền lực của kẻ cai trị được xem là cần thiết, nhưng cực kỳ nguy hiểm; kẻ cai trị có thể mưu toan sử dụng nó như một vũ khí chống lại dân chúng cũng giống như chống lại kẻ thù bên ngoài. Để ngăn chặn không cho các thành viên yếu ớt hơn của cộng đồng bị làm mồi cho những đàn kền kền khác thì cần phải có những con thú dũng mạnh hơn tất cả những con khác, được uỷ nhiệm đi ngăn cản chúng. Thế nhưng vua chúa của những con kền kền thì cũng thèm khát thịt bầy đàn không kém hơn những con quái vật tham lam khác, cho nên cứ mãi mãi không bao giờ chấm dứt thái độ đề phòng cái mỏ và móng vuốt của nó. Vì vậy, mục đích của những người yêu đất nước là thiết lập những giới hạn đối với quyền lực mà kẻ cầm quyền phải chịu, khi thực thi quyền lực đối với cộng đồng, và sự giới hạn này chính là cái mà ta muốn nói trong khái niệm tự do. Có hai phương cách được thử nghiệm: thứ nhất là dành được những quyền miễn trừ nào đó, được gọi là những quyền tự do chính trị, theo đó nếu kẻ cai trị bội ước lấn quyền thì bị coi là vi phạm trách nhiệm và một khi điều đó xảy ra thì sẽ có một sự kháng cự đặc biệt hay nổi loạn toàn thể được thực thi hợp pháp. Phương cách thứ 2: là hình thành một thiết chế kiểm tra theo hiến pháp; theo đó, sự tán đồng của cộng đồng hay một thực thể nào đó đại diện cho quyền lợi của họ, là điều cần thiết cho một số hành động nào đó của quyền lực cai trị. Chừng nào đó loài người vẫn còn phải chiến đấu với kẻ thù này bằng kẻ thù khác (kẻ cai trị) thì họ còn bị cam chịu cai trị bởi một ông chủ, thì họ chưa thể đưa ra được ý nguyện về tự do của mình.
Tuy nhiên thời đại mới đã đến, theo bước tiến bộ của các hoạt động con người, khi người ta không còn nghĩ đó như là một điều cần thiết tự nhiên (rằng kẻ thống trị phải là một quyền lực độc lập và đối lập về quyền lợi với họ), tốt hơn là các loại quan cai trị phải là người họ thuê làm hay là đại biểu có thể bị họ bãi miễn theo ý muốn. Họ tưởng chừng, bằng cách đó thôi, có thể có được sự an toàn triệt để, đảm bảo rằng quyền lực cai trị sẽ không bao giờ bị lạm dụng gây thiệt hại cho họ. Dần dần, cái đòi hỏi mới mẻ về những người cầm quyền có thời hạn và được bầu ra, trở thành mục tiêu trọng yếu trong nỗ lực của các đảng bình dân ở bất cứ đâu có đảng như thế, nó làm cho nỗ lực trước đây nhằm hạn chế quyền lực của kẻ cầm quyền bị gác lại ở một mức độ đáng kể. Khi người ta tiếp tục theo đuổi cuộc đấu tranh nhằm tạo ra quyền lực cai trị từ các cuộc lựa chọn định kỳ của người bị trị, thì một số người bắt đầu nghĩ rằng sự hạn chế của bản thân quyền lực đã được gán cho một tầm quan trọng hơi quá đáng. Biện pháp ấy chỉ nhằm chống lại người cầm quyền có quyền lợi thường xuyên đối lập với quyền lợi của người dân. Điều mong muốn bây giờ là người cầm quyền phải được đồng nhất với nhân dân, rằng quyền lợi và ý chí của họ phải là quyền lợi và ý chí của quốc gia. Quốc gia không cần phải được bảo hộ chống lại ý chí của chính mình. Không phải e sợ sự chuyên chế tự mình đối với chính mình. Hãy để những người cầm quyền chịu trách nhiệm một cách hiệu lực với quốc gia, có thể bị quốc gia bãi nhiễm nhanh chóng, và quốc gia tin cậy giao cho họ cái quyền lực mà quốc gia có thể điều khiển việc sử dụng ra sao. Quyền lực của họ chỉ là quyền lực của bản thân quốc gia, được tập trung lại dưới một hình thức tiện lợi cho việc vận dụng.
Giờ đây, người ta đã nhận ra rằng những từ như "nhà nước tự quản" và "quyền lực của nhân dân đối với chính mình" không biểu đạt được cái thực chất của nó. Cái nhân dân thực thi quyền lực không phải lúc nào cũng là cái nhân dân chịu sự thực thi quyền lực; còn cái nhà nước tự quản được nói tới không phải là cái nhà nước mỗi người tự quản lấy mình, mà là mỗi người bị quản bởi những người khác. Hơn thế nữa, cái ý chí của nhân dân trên thực tế có ý nghĩa là ý chỉ của số đông nhất hay của một bộ phận tích cực nhất của nhân dân; của cái đa số, hay của cái số người đã thành công trong việc được chấp nhận như là đa số; do đó mà nhân dân có thể muốn áp chế một bộ phận của mình; cho nên sự đề phòng  để chống lại bất cứ sự lạm quyền là rất cần thiết. Bởi vậy, sự giới hạn quyền lực của chính phủ đối với các cá nhân không mảy may mất đi tầm quan trọng khi những người nắm quyến phải thường kỳ giải trình trước cộng đồng.
tóm tắt 2 (tiếp theo) http://1980x.blogspot.com/2015/09/ban-ve-tu-do-john-stuard-mill-nguyen_17.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét