p33 Mục đích của luận văn này là khẳng định một nguyên lý kiểm soát xã hội đối với bản thân cá nhân. Nguyên lý ấy là mục đích duy nhất của nhân loại (cá nhân, tập thể) nhắm tới trong việc can thiệp tới quyền tự do hoạt động của bất cứ thành viên phải là sự tự bảo hộ. Tức là quyền lực nhà nước có thể thực thi chính đáng đối với các thành viên chống lại ý chí của anh ta, chỉ khi nó nhằm ngăn chặn tổn hại cho những người khác. Anh ta không bị cưỡng ép phải làm hay nhẫn nhịn điều gì, với lý do cái đó sẽ làm cho anh ta hạnh phúc hơn, hoặc với lý do theo ý kiến của những người khác cho rằng như thế là khôn ngoan hơn, hay thậm chí là đúng đắn. Để biện minh cho việc muốn ngăn cản anh ta thì hành vi của anh ta phải là toan tính gây điều xấu cho ai đó. Chỉ phần cư xử của ai đó liên can đến người khác mới phải vâng theo xã hội. Trong phần cư xử giới hạn liên can đến bản thân anh ta, sự độc lập của anh ta là một quyền hạn tuyệt đối. Con người cá nhân là chúa tể đối với bản thân anh ta, đối với thân thể và tâm hồn của riêng anh ta.
*.Một người có thể làm điều xấu cho người khác không chỉ bằng những hành động của mình mà còn bằng cả việc không hành động nữa, trong cả hai trường hợp anh ta đều phải chịu trách nhiệm với họ về tổn hại gây ra.
p47. Bàn về tự do tư tưởng, tự do thảo luận.
Hy vọng đã qua rồi cái thời cần phải bảo vệ quyền tự do báo chí như là một trong những bảo đảm an toàn chống lại nền cai trị tham nhũng và chuyên chế. Chúng ta có thể xem như bây giờ không cần thiết để đưa ra bất cứ luận cứ nào phản đối chính quyền hành pháp và lập pháp không đồng nhất về quyền lợi với dân chúng, nhưng lại có quyền gán ghép ý kiến của mình cho dân chúng và qui định cho họ học thuyết nào hay luận cứ nào họ được phép nghe. Bất cứ một chính phủ có trách nhiệm với dân chúng hay không mà lại thường xuyên mưu toan kiểm soát việc biểu lộ ý kiến, thì chính phủ đó sẽ tự biến mình thành một công cụ cho sự không dung thứ của công chúng. Vậy ta giả sử rằng: chính phủ với dân chúng là một chính phủ không bao giờ nghĩ đến việc dùng quyền lực để ép buộc (trừ khi sự ép buộc đó thuận theo tiếng nói của dân chúng). Nhưng tôi phủ nhận quyền của dân chúng thực hiện sự ép buộc đó, dù là họ đích thân thực hiện hay thông qua chính phủ của họ. Khi quyền đó được sử dụng theo công luận thì cũng là cái có hại hay thậm chí còn hại nhiều hơn là trường hợp đối lập với công luận. Nếu toàn thể nhân loại trừ ra một người đều cùng một ý kiến, và chỉ có một người có ý kiến trái lại, thì việc bắt người đó phải ngậm miệng (bỏ tù), nhân loại cũng không vẻ vang gì. Nhưng cái xấu xa của việc bắt một ý kiến không được trình bày là sự đánh cắp đối với loài người, với các thế hệ mai sau hay hiện nay, thiệt hại cho người bất đồng với ý kiến đó hơn là cho người giữ ý kiến đó. Nếu ý kiến đó là đúng thì người ta đã bị tước đi cơ hội bỏ cái sai lấy cái đúng, nếu ý kiến đó là sai thì có mất đi một cái lợi lớn là cảm nhận được cái đúng một cách minh triết và sống động hơn.
Cần phải xem xét riêng hai giả thiết này, mỗi cái có lý lẽ riêng phù hợp với nó. Chúng ta không bao giờ chắc chắn rằng cái ý kiến mà ta đang cố dập tắt là một ý kiến sai lầm; ngay nếu như chúng ta tin chắc đi nữa thì việc dập tắt nó vẫn là một điều xấu xa.
Thứ nhất, cái ý kiến đang bị quyền uy cố dập tắt đi có thể là đúng. Tất nhiên những người muốn dập tắt nó phủ nhận sự thật này nhưng họ đâu phải là thánh thần mà không hề sai bao giờ. Họ không có thẩm quyền quyết định cho toàn thể nhân loại và tước đi phương tiện xét đoán của bất cứ người nào. Khước từ lắng nghe một ý kiến vì họ tin chắc ý kiến đó là sai lầm, có nghĩa là coi sự tin chắc của họ là chắc chắn tuyệt đối. Mọi sự bịt miệng trong thảo luận đều hàm ý tính không bao giờ sai. Khốn khổ thay cho loài người là cái sự thật về tính có thể sai lầm lại thường xảy ra, hiện thời thì ai cũng biết rõ là mình có thể sai lầm, nhưng ít người chịu nghĩ là cần phải đề phòng tính có thể sai lầm của mình, hay thú nhận rằng bất cứ ý kiến nào mà họ cảm thấy rất chắc chắn lại có thể là một ví dụ về sự lầm lẫn.
Mỗi thời đại đều đã bảo vệ nhiều ý kiến mà các thời đại sau chẳng những coi là sai lầm mà còn coi là ngớ ngẩn nữa, và hẳn là nhiều ý kiến hiện nay được thừa nhận rộng rãi sẽ bị các thời đại tương lai bác bỏ. Việc ngăn cấm truyền bá những gì sai trái thì cái giả thiết không bao giờ sai là luôn luôn đúng ? Chẳng lẽ vì cớ nó có thể sai lầm mà bảo người ta không được làm ? Chẳng lẽ chúng ta có quyền ngăn cấm quyền được có thể sai lầm của người khác ? Giả sử như ta không bao giờ hành động theo ý kiến của ta, chỉ vì những ý kiến ấy có thể sai, thì ta phải bỏ hết mọi quyền lợi của ta để tự tìm ra cái đúng ? Nghĩa vụ của chính phủ và các cá nhân là hình thành các ý kiến chân thực nhất như họ có thể, hình thành các ý kiến một cách thận trọng, và không bao giờ áp đặt chúng cho người khác, ngoại trừ khi cảm thấy chắc chắn rằng họ đúng. Nhưng khi họ cảm thấy chắc chắn rồi (những người biện bạch có thể nói thế), mà chùn lại không hành động theo ý kiến của mình thì là hèn nhát, như thế tức là cho phép các học thuyết mà họ trung thực nghĩ rằng chúng nguy hiểm cho hạnh phúc của loài người, được lan truyền ra ngoài mà không bị kiềm chế, chỉ vì lẽ đã từng có những người khác, ở vào các thời buổi chưa được khai sáng, đã ngược đãi các ý kiến nay được tin là đúng. Con người và chính phủ phải hành động tốt nhất như có thể theo khả năng của họ. Chúng ta có thể và cần xem ý kiến của chúng ta là đúng để hướng dẫn hành vi của chúng ta: và chẳng có gì là ngạo mạn quá đáng khi chúng ta ngăn cấm những kẻ xấu làm hại xã hội bằng cách truyền bá những ý kiến mà chúng ta coi là sai lầm và có hại.
Tôi xin trả lời rằng : như thế là ngạo mán rất quá đáng. Một ý kiến được coi là đúng, khi mà trong mọi cơ hội thử thách, nó vẫn không bị bác bỏ. Sự tự do trọn vẹn trong việc phản bác lại ý kiến của chúng ta chính là điều kiện biện minh cho chúng ta trong việc xem mục tiêu hành động là chân lý; và không có điều kiện nào khác hơn để cho con người, với những khả năng giới hạn của mình, có thể có được sự đảm bảo rằng ý kiến mình là đúng. Đa số những người xuất chúng của bất cứ thế hệ nào trong quá khứ cũng đã bênh vực nhiều ý kiến mà ngày nay biết là sai lầm và họ cũng đã từng tán thành những việc mà ngày nay không một ai cho là đúng nữa. Vì vậy thì tại sao xét về toàn thể lại có ưu thế nghiêng về những ý kiến có lý? Phẩm chất tinh thần của loài người là một thực thể có trí tuệ và đạo đức. Con người có khả năng sửa chữa sai lầm của mình bằng thảo luận và trải nghiệm. Những ý kiến và thực tiễn sai lầm dần dần tạo nên các sự kiện và luận cứ, tuy nhiên sự kiện và luận cứ trước hết phải được nêu ra mới có tác dụng lên trí tuệ được. Có rất ít các sự kiện tự thân nói lên được thực chất của chúng mà không cần bình luận để đưa ra được ý nghĩa của chúng. Sự suy xét của con người có một đặc tính: nó có thể cho điều này là đúng hay là sai trái, và chỉ khi nào nắm được các phương tiện xác định đúng sai trong tay thì sự suy xét mới đáng tin cậy. Trong trường hợp sự suy xét của ai đó thực sự đáng được tin cậy thì nguyên nhân là ở đâu? Đó là bởi anh ta luôn mở trí tuệ để đón nhận sự phê phán đối với các ý kiến và cung cách cư xử của mình. Đó là anh ta luôn lắng nghe tất cả những gì có thể nói ra chống lại anh ta; khai thác thật nhiều lợi ích từ việc đó và giải thích cho bản thân mình rõ, và nếu có dịp thì cho cả người khác. Đó là bởi anh ta cảm nhận thấy rằng, cách thức duy nhất để con người tiếp cận với tri thức về đối tượng xem xét, là lắng nghe những gì có thể nói về đối tượng đó bởi những người có ý kiến khác nhau và nghiên cứu mọi kiểu cách nhìn nhận đối tượng của những người có tính cách tinh thần khác nhau. Không có một người minh triết nào thu nhận được sự thông tuệ bằng bất cứ kiểu nào khác hơn thế, mà bản chất trí tuệ con người cũng không cho ai trở thành minh triết bằng một cách nào khác hơn được. Cái thói quen thường xuyên hiệu chỉnh và hoàn thiện ý kiến của mình bằng cách đối chiếu nó với ý kiến của những người khác tuyệt nhiên không phải là việc hoài nghi hay do dự khi thực hiện, mà chỉ là sự thiết lập cơ sở vững chắc duy nhất cho niềm tin vào nó: vì rằng: một khi đã biết được mọi điều có thể nói ra chống lại anh và giữ cho mình một lập trường xác định chống lại mọi phía phản bác - hiểu rằng mình đi tìm kiếm các phản đối và khó khăn chứ không lãng tránh chúng, và đã không che lấp ánh sáng soi rọi đối tượng từ mọi góc độ - anh ta có quyền nghĩ rằng sự suy xét của anh ta là tốt hơn sự suy xét của bất cứ ai khác hay bất cứ đám đông nào không trải qua một quá trình tương tự. Cũng không phải là quá đáng khi đòi hỏi những người minh triết nhất của loài người, cần phải tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy dành cho họ bằng cách đặt mình dưới sự tra vấn trước một tập hợp hỗn tạp bao gồm số ít những người minh triết và số đông các cá nhân kém trí tuệ, là cái tập hợp được gọi là dân chúng. p57
bản lưu từ tóm tắt 1 đến tóm tắt 3:
https://drive.google.com/file/d/0B3m4ZemQxIjQMVNKckpXaUlUMFU/view?usp=sharing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét