Trong các lập luận chính trị thì "sự chuyên chế của đa số" được xếp vào loại những điều xấu xa mà xã hội cần đề phòng chống lại. Cũng giống như các nền chuyên chế khác, những nền chuyên chế của đa số đều dựa trên sự sợ hãi của dân chúng với các hành động của công quyền. Khi nhà nước chuyên chế đối với các cá nhân riêng rẽ cấu thành nó thì các phương tiện thực thi chuyên chế sẽ không giới hạn hành vi do bàn tay của các viên chức (công chức) chính trị thực hiện. Khi đó các viên chức thi hành các huấn lệnh bất kể đúng hay sai và nhúng tay vào những việc đáng lẽ ra không nên làm. Các chế độ chuyên chế tạo ra những nhân viên công quyền chỉ biết vâng lệnh mà không được từ chối làm điều sai trái (điều vi phạm đạo đức, tình người...). Vì vậy việc bảo hộ chống lại sự chuyên chế là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải bảo hộ chống lại cả sự chuyên chế của ý kiến và cảm xúc đang thịnh hành, chống lại xu thế của xã hội áp đặt những ý tưởng và tập quán của riêng nó thành qui tắc cư xử cho những người bất đồng với nó bằng những phương tiện ngoài khuôn khổ các trừng phạt dân sự; chống lại xu thế của xã hội trói buộc sự phát triển, ngăn cả việc hình thành bất cứ cá tính nào không hoà hợp với cung cách của nó. Có một sự giới hạn cho sự can thiệp hợp pháp của ý kiến tập thể với sự độc lập của cá nhân, việc tìm ra giới hạn này và giữ cho nó không bị lấn quyền là điều không thể thiếu để tạo điều kiện tốt cho hoạt động của con người cũng như bảo hộ chống lại sự áp chế chính trị. Tất cả những gì đem lại giá trị cho sự tồn tại cuẩ mỗi người phụ thuộc vào sự thực thi việc kiềm chế hành động của những người khác. Vì vậy, một số qui tắc cư xử nào đó cần phải được áp đặt, trước hết là bằng pháp luật và dư luận đối với nhiều vấn đề không phải là đối tượng áp dụng của pháp luật... Không có hai thời đại nào, và hiếm khi có hai đất nước nào lại quyết định giống nhau, và sự quyết định của một thời đại hay một đất nước này lại là điều gây ngạc nhiên cho thời đại và đất nước khác. Ấy thế mà dân chúng của một thời đại hay của một đất nước nào đó lại vẫn chẳng hề thấy khó khăn gì trong quyết định của họ, cứ như là chuyện nhân loại đã luôn thoả thuận như thế. Những qui tắc mà họ thiết lập với nhau có vẻ như là tự bản thân nó là hiến nhiên và đúng đắn đối với họ. Cái ảo tưởng gần như là toàn cầu đó là một trong những thí dụ về ảnh hưởng ma thuật của tập quán. Tác dụng của tập quán trong việc ngăn chặn sự hoài nghi đối với các qui tắc cư xử mà loài người áp đặt cho nhau lại càng triệt để, bởi vì tập quán là đối tượng được coi như là không cần phải đưa ra lý lẽ để giải thích, không những là người này đối với người kia mà cả mỗi người đối với chính bản thân mình. Dân chúng được tập cho thói quen tin tưởng và được khuyến khích giữ niềm tin rằng cảm nhận của họ đối với những thứ có bản chất như thế còn tốt hơn cả lý lẽ và xem lý lẽ là điều không cần thiết, rằng bất cứ ai cũng cần hành động giống như anh ta và cũng nên hành động giống những người mà anh ta yêu thích. Thực tế không ai chịu thừa nhận với chính mình rằng chuẩn mực xét đoán của anh ta chỉ là cái ý thích riêng của anh ta. Khi một ý kiến về quan điểm cư xử mà không được lý lẽ hậu thuẫn thì chỉ có thể coi là ý thích riêng của cá nhân, còn lý lẽ nếu có mà chỉ đơn thuần là lời hiệu triệu đối với một sở thích tương tự được cảm nhận bời nhiều người khác, thì nó cũng chỉ là ý thích của nhiều người thay vì một người mà thôi. Tuy nhiên, đối với một cá nhân bình thường thì cái sở thích riêng của anh ta được hậu thuẫn như thế, là lý lẽ hoàn toàn thoả đáng và duy nhất mà anh ta dựa vào để xét đoán về đạo đức, sở thích, tính đúng sai.
tóm tắt 3 (tiếp theo) : http://1980x.blogspot.com/2015/09/ban-ve-tu-do-john-stuart-millnguyen-van.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét