Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Kiến nghị giới hạn quyền của công an xã (Ngô Ngọc Trai)

Xin mời các luật sư thực hiện chức năng xã hội của mình bằng cách tham gia ghi danh ủng hộ kiến nghị này, xin cảm ơn.
---------------
I/ NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Chúng tôi, những người có tên trong danh sách dưới đây, ý thức về bổn phận và trách nhiệm của mình trước cộng đồng xã hội, có mong muốn phụng sự công lý và thúc đẩy xây dựng nền tư pháp Việt Nam được trở nên công minh tiến bộ.
II/ CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN VIỆC KIẾN NGHỊ
Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013 Điều 28 quy định: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Luật luật sư tại Điều 3 quy định về chức năng xã hội của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân.
III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ
Mới đây báo chí đưa tin hai vụ việc xảy ra ở Quảng Ngãi và Thái Bình liên quan đến việc làm của công an xã dẫn đến tình trạng bạo hành xâm hại tính mạng sức khỏe của các em thiếu niên học sinh.
Vụ việc ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra như sau (theo bài trên báo điện tử Dân trí): Sáng thứ 2 ngày 11/1/2016 công an viên thuộc công an xã Tịnh Bắc đến lớp nơi em nam sinh đang học lớp 9, dẫn giải em này sang trụ sở công an xã lấy lời khai về một vụ trộm cắp tài sản, sau đó em này đã uống thuốc diệt cỏ tự tử và đến ngày 16/1 thì tử vong.
Vụ việc ở xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình xảy ra như sau (theo bài trên báo điện tử VTC): Chập tối ngày 22/10/2015 công an viên thuộc công an xã Tây Ninh đi tìm và dẫn giải một em học sinh lớp 9 về trụ sở công an xã liên quan đến một vụ trộm cắp tài sản. Hôm sau cháu kêu đau, gia đình đưa đi khám chữa thì được biết cháu đã bị đánh khi ở trụ sở công an xã.
Chúng tôi đặt câu hỏi: Việc công an xã đi tìm nghi phạm rồi triệu tập dẫn giải đến trụ sở công an xã để lấy lời khai, có đúng thẩm quyền của công xã không? Pháp luật có quy định cho công an xã được làm việc này không?
Rà soát các quy định chúng thì thấy tại Điều 28 Thông tư 28/2014/TT-BCA của Bộ công an quy định về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân, có quy định về thẩm quyền xử lý một số việc của công an cấp xã. Theo đó có ba trường hợp:
1. Nếu công an xã bắt được người phạm tội quả tang, hoặc người dân bắt được người phạm tội quả tang dẫn giải đến công an xã, thì công an xã được lấy lời khai nghi phạm.
2. Nếu công an xã được báo về tội phạm đang diễn ra, công an xã đến hiện trường để ngăn chặn và dẫn giải nghi phạm về trụ sở thì công an xã được lấy lời khai.
3. Trường hợp còn lại, công an xã nhận được trình báo của bị hại về các vụ việc thì chỉ tiếp nhận thông tin sự việc, phân loại và chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà không được truy tìm dẫn giải nghi phạm để lấy lời khai.
Theo đó công an xã không được dựa vào lời trình bày của bị hại, nghi cho ai đó vi phạm, rồi truy tìm người đó, dẫn giải về trụ sở để lấy lời khai. Đây là việc làm xâm phạm quyền công dân nghiêm trọng, trong khi việc bắt người dẫn giải và lấy lời khai là những hoạt động điều tra bài bản, đòi hỏi phải được thực hiện bởi những đơn vị có chuyên môn nghiệp vụ và đúng thẩm quyền. Đến như cơ quan điều tra bắt người còn phải có quyết định và xin phê chuẩn của viện kiểm sát để được giám sát, tại sao lại để công an xã dễ dàng dẫn giải bắt người để lấy lời khai như vậy? 
Qua hai vụ việc ở Quảng Ngãi và Thái Bình và thực tế ở nhiều vùng nông thôn khác, chúng tôi nhận thấy công an xã sau khi tiếp nhận tin báo của bị hại (thường là về các vụ trộm cắp), đã dựa theo nghi vấn của bị hại để truy tìm và dẫn giải nghi phạm (thường là các cháu thiếu niên) về trụ sở công an xã để lấy lời khai. Trong khi pháp luật không cho phép công an xã được làm việc này. Đây là sự lạm quyền có tính phổ biến, chứa bạo lực, xâm hại đến tính mạng sức khỏe của các cháu thiếu niên học sinh.
Việc cho phép công an xã được lấy lời khai (là một hoạt động điều tra làm rõ sự việc) trong khi lại không có quy định phòng ngừa tương ứng như không có người đóng vai trò của người kiểm sát viên, không có quy định ghi âm ghi hình việc lấy lời khai của công an xã, không có quy định cho phép luật sư tham gia, hoặc không có quy định buộc công an xã thông báo và giải thích về quyền và nghĩa vụ cho nghi phạm.
IV/ KIẾN NGHỊ
Nay thực hiện chức năng bổn phận xã hội của mình, chúng tôi kiến nghị như sau:
1. Căn cứ theo Pháp lệnh công an xã năm 2008, tại Điều 21 quy định về trách nhiệm của Bộ Công an về việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp của cho công an xã. Chúng tôi đề nghị Bộ công an có chỉ đạo hướng dẫn làm rõ các việc được phép làm của công an xã, và những biện pháp kiểm soát tương ứng, nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm quyền xâm hại sức khỏe người dân, xuất phát từ vấn đề chuyên môn của lực lượng này. Chúng tôi cho rằng công an xã chỉ nên được lập biên bản sự việc mà không được lấy lời khai.
2. Hai vụ việc xảy ra ở Quảng Ngãi và Thái Bình đều xâm hại đến trẻ em, thanh thiếu niên, trong khi Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em nghiêm cấm chửi mắng, đánh đập hoặc những hành vi làm tổn thương tinh thần đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Chúng tôi đề nghị Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội và Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em thuộc Chính phủ, lên tiếng giám sát thúc đẩy ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, thanh thiếu niên bởi lực lượng công an xã.

nguồn: https://www.facebook.com/ngongoctrai.ngo/posts/675262752614190

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét