Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Bàn về tự do (John Stuart Mill_Nguyễn Văn Trọng dịch) tóm tắt 3 (trang 33-57)

p33 Mục đích của luận văn này là khẳng định một nguyên lý kiểm soát xã hội đối với bản thân cá nhân. Nguyên lý ấy là mục đích duy nhất của nhân loại (cá nhân, tập thể) nhắm tới trong việc can thiệp tới quyền tự do hoạt động của bất cứ thành viên phải là sự tự bảo hộ. Tức là quyền lực nhà nước có thể thực thi chính đáng đối với các thành viên chống lại ý chí của anh ta, chỉ khi nó nhằm ngăn chặn tổn hại cho những người khác. Anh ta không bị cưỡng ép phải làm hay nhẫn nhịn điều gì, với lý do cái đó sẽ làm cho anh ta hạnh phúc hơn, hoặc với lý do theo ý kiến của những người khác cho rằng như thế là khôn ngoan hơn, hay thậm chí là đúng đắn. Để biện minh cho việc muốn ngăn cản anh ta thì hành vi của anh ta phải là toan tính gây điều xấu cho ai đó. Chỉ phần cư xử của ai đó liên can đến người khác mới phải vâng theo xã hội. Trong phần cư xử giới hạn liên can đến bản thân anh ta, sự độc lập của anh ta là một quyền hạn tuyệt đối. Con người cá nhân là chúa tể đối với bản thân anh ta, đối với thân thể và tâm hồn của riêng anh ta.
*.Một người có thể làm điều xấu cho người khác không chỉ bằng những hành động của mình mà còn bằng cả việc không hành động nữa, trong cả hai trường hợp anh ta đều phải chịu trách nhiệm với họ về tổn hại gây ra.
p47. Bàn về tự do tư tưởng, tự do thảo luận.
 Hy vọng đã qua rồi cái thời cần phải bảo vệ quyền tự do báo chí như là một trong những bảo đảm an toàn chống lại nền cai trị tham nhũng và chuyên chế. Chúng ta có thể xem như bây giờ không cần thiết để đưa ra bất cứ luận cứ nào phản đối chính quyền hành pháp và lập pháp không đồng nhất về quyền lợi với dân chúng, nhưng lại có quyền gán ghép ý kiến của mình cho dân chúng và qui định cho họ học thuyết nào hay luận cứ nào họ được phép nghe. Bất cứ một chính phủ có trách nhiệm với dân chúng hay không mà lại thường xuyên mưu toan kiểm soát việc biểu lộ ý kiến, thì chính phủ đó sẽ tự biến mình thành một công cụ cho sự không dung thứ của công chúng. Vậy ta giả sử rằng: chính phủ với dân chúng là một chính phủ không bao giờ nghĩ đến việc dùng quyền lực để ép buộc (trừ khi sự ép buộc đó thuận theo tiếng nói của dân chúng). Nhưng tôi phủ nhận quyền của dân chúng thực hiện sự ép buộc đó, dù là họ đích thân thực hiện hay thông qua chính phủ của họ. Khi quyền đó được sử dụng theo công luận thì cũng là cái có hại hay thậm chí còn hại nhiều hơn là trường hợp đối lập với công luận. Nếu toàn thể nhân loại trừ ra một người đều cùng một ý kiến, và chỉ có một người có ý kiến trái lại, thì việc bắt người đó phải ngậm miệng (bỏ tù), nhân loại cũng không vẻ vang gì. Nhưng cái xấu xa của việc bắt một ý kiến không được trình bày là sự đánh cắp đối với loài người, với các thế hệ mai sau hay hiện nay, thiệt hại cho người bất đồng với ý kiến đó hơn là cho người giữ ý kiến đó. Nếu ý kiến đó là đúng thì người ta đã bị tước đi cơ hội bỏ cái sai lấy cái đúng, nếu ý kiến đó là sai thì có mất đi một cái lợi lớn là cảm nhận được cái đúng một cách minh triết và sống động hơn.
Cần phải xem xét riêng hai giả thiết này, mỗi cái có lý lẽ riêng phù hợp với nó. Chúng ta không bao giờ chắc chắn rằng cái ý kiến mà ta đang cố dập tắt là một ý kiến sai lầm; ngay nếu như chúng ta tin chắc đi nữa thì việc dập tắt nó vẫn là một điều xấu xa.
Thứ nhất, cái ý kiến đang bị quyền uy cố dập tắt đi có thể là đúng. Tất nhiên những người muốn dập tắt nó phủ nhận sự thật này nhưng họ đâu phải là thánh thần mà không hề sai bao giờ. Họ không có thẩm quyền quyết định cho toàn thể nhân loại và tước đi phương tiện xét đoán của bất cứ người nào. Khước từ lắng nghe một ý kiến vì họ tin chắc ý kiến đó là sai lầm, có nghĩa là coi sự tin chắc của họ là chắc chắn tuyệt đối. Mọi sự bịt miệng trong thảo luận đều hàm ý tính không bao giờ sai. Khốn khổ thay cho loài người là cái sự thật về tính có thể sai lầm lại thường xảy ra, hiện thời thì ai cũng biết rõ là mình có thể sai lầm, nhưng ít người chịu nghĩ là cần phải đề phòng tính có thể sai lầm của mình, hay thú nhận rằng bất cứ ý kiến nào mà họ cảm thấy rất chắc chắn lại có thể là một ví dụ về sự lầm lẫn.
Mỗi thời đại đều đã bảo vệ nhiều ý kiến mà các thời đại sau chẳng những coi là sai lầm mà còn coi là ngớ ngẩn nữa, và hẳn là nhiều ý kiến hiện nay được thừa nhận rộng rãi sẽ bị các thời đại tương lai bác bỏ. Việc ngăn cấm truyền bá những gì sai trái thì cái giả thiết không bao giờ sai là luôn luôn đúng ? Chẳng lẽ vì cớ nó có thể sai lầm mà bảo người ta không được làm ? Chẳng lẽ chúng ta có quyền ngăn cấm quyền được có thể sai lầm của người khác ? Giả sử như ta không bao giờ hành động theo ý kiến của ta, chỉ vì những ý kiến ấy có thể sai, thì ta phải bỏ hết mọi quyền lợi của ta để tự tìm ra cái đúng ? Nghĩa vụ của chính phủ và các cá nhân là hình thành các ý kiến chân thực nhất như  họ có thể, hình thành các ý kiến một cách thận trọng, và không bao giờ áp đặt chúng cho người khác, ngoại trừ khi cảm thấy chắc chắn rằng họ đúng. Nhưng khi họ cảm thấy chắc chắn rồi (những người biện bạch có thể nói thế), mà chùn lại không hành động theo ý kiến của mình thì là hèn nhát, như thế tức là cho phép các học thuyết mà họ trung thực nghĩ rằng chúng nguy hiểm cho hạnh phúc của loài người, được lan truyền ra ngoài mà không bị kiềm chế, chỉ vì lẽ đã từng có những người khác, ở vào các thời buổi chưa được khai sáng, đã ngược đãi các ý kiến nay được tin là đúng. Con người và chính phủ phải hành động tốt nhất như có thể theo khả năng của họ. Chúng ta có thể và cần xem ý kiến của chúng ta là đúng để hướng dẫn hành vi của chúng ta: và chẳng có gì là ngạo mạn quá đáng khi chúng ta ngăn cấm những kẻ xấu làm hại xã hội bằng cách truyền bá những ý kiến mà chúng ta coi là sai lầm và có hại.
Tôi xin trả lời rằng : như thế là ngạo mán rất quá đáng. Một ý kiến được coi là đúng, khi mà trong mọi cơ hội thử thách, nó vẫn không bị bác bỏ. Sự tự do trọn vẹn trong việc phản bác lại ý kiến của chúng ta chính là điều kiện biện minh cho chúng ta trong việc xem mục tiêu hành động là chân lý; và không có điều kiện nào khác hơn để cho con người, với những khả năng giới hạn của mình, có thể có được sự đảm bảo rằng ý kiến mình là đúng. Đa số những người xuất chúng của bất cứ thế hệ nào trong quá khứ cũng đã bênh vực nhiều ý kiến mà ngày nay biết là sai lầm và họ cũng đã từng tán thành những việc mà ngày nay không một ai cho là đúng nữa. Vì vậy thì tại sao xét về toàn thể lại có ưu thế nghiêng về những ý kiến có lý? Phẩm chất tinh thần của loài người là một thực thể có trí tuệ và đạo đức. Con người có khả năng sửa chữa sai lầm của mình bằng thảo luận và trải nghiệm. Những ý kiến và thực tiễn sai lầm dần dần tạo nên các sự kiện và luận cứ, tuy nhiên sự kiện và luận cứ trước hết phải được nêu ra mới có tác dụng lên trí tuệ được. Có rất ít các sự kiện tự thân nói lên được thực chất của chúng mà không cần bình luận để đưa ra được ý nghĩa của chúng. Sự suy xét của con người có một đặc tính: nó có thể cho điều này là đúng hay là sai trái, và chỉ khi nào nắm được các phương tiện xác định đúng sai trong tay thì sự suy xét mới đáng tin cậy. Trong trường hợp sự suy xét của ai đó thực sự đáng được tin cậy thì nguyên nhân là ở đâu? Đó là bởi anh ta luôn mở trí tuệ để đón nhận sự phê phán đối với các ý kiến và cung cách cư xử của mình. Đó là anh ta luôn lắng nghe tất cả những gì có thể nói ra chống lại anh ta; khai thác thật nhiều lợi ích từ việc đó và giải thích cho bản thân mình rõ, và nếu có dịp thì cho cả người khác. Đó là bởi anh ta cảm nhận thấy rằng, cách thức duy nhất để con người tiếp cận với tri thức về đối tượng xem xét, là lắng nghe những gì có thể nói về đối tượng đó bởi những người có ý kiến khác nhau và nghiên cứu mọi kiểu cách nhìn nhận đối tượng của những người có tính cách tinh thần khác nhau. Không có một người minh triết nào thu nhận được sự thông tuệ bằng bất cứ kiểu nào khác hơn thế, mà bản chất trí tuệ con người cũng không cho ai trở thành minh triết bằng một cách nào khác hơn được. Cái thói quen thường xuyên hiệu chỉnh và hoàn thiện ý kiến của mình bằng cách đối chiếu nó với ý kiến của những người khác tuyệt nhiên không phải là việc hoài nghi hay do dự khi thực hiện, mà chỉ là sự thiết lập cơ sở vững chắc duy nhất cho niềm tin vào nó: vì rằng: một khi đã biết được mọi điều có thể nói ra chống lại anh và giữ cho mình một lập trường xác định chống lại mọi phía phản bác - hiểu rằng mình đi tìm kiếm các phản đối và khó khăn chứ không lãng tránh chúng, và đã không che lấp ánh sáng soi rọi đối tượng từ mọi góc độ - anh ta có quyền nghĩ rằng sự suy xét của anh ta là tốt  hơn sự suy xét của bất cứ ai khác hay bất cứ đám đông nào không trải qua một quá trình tương tự. Cũng không phải là quá đáng khi đòi hỏi những người minh triết nhất của loài người, cần  phải tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy dành cho họ bằng cách đặt mình dưới sự tra vấn trước một tập hợp hỗn tạp bao gồm số ít những người minh triết và số đông các cá nhân kém trí tuệ, là cái tập hợp được gọi là dân chúng. p57

bản lưu từ tóm tắt 1 đến tóm tắt 3:
https://drive.google.com/file/d/0B3m4ZemQxIjQMVNKckpXaUlUMFU/view?usp=sharing

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Bàn về tự do (John Stuard Mill _ Nguyễn Văn Trọng dịch) tóm tắt 2 (trang 24-27)

Trong các lập luận chính trị thì "sự chuyên chế của đa số" được xếp vào loại những điều xấu xa mà xã hội cần đề phòng chống lại. Cũng giống như các nền chuyên chế khác, những nền chuyên chế của đa số đều dựa trên sự sợ hãi của dân chúng với các hành động của công quyền. Khi nhà nước chuyên chế đối với các cá nhân riêng rẽ cấu thành nó thì các phương tiện thực thi chuyên chế sẽ không giới hạn hành vi do bàn tay của các viên chức (công chức) chính trị thực hiện. Khi đó các viên chức thi hành các huấn lệnh bất kể đúng hay sai và nhúng tay vào những việc đáng lẽ ra không nên làm. Các chế độ chuyên chế tạo ra những nhân viên công quyền chỉ biết vâng lệnh mà không được từ chối làm điều sai trái (điều vi phạm đạo đức, tình người...). Vì vậy việc bảo hộ chống lại sự chuyên chế là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải bảo hộ chống lại cả sự chuyên chế của ý kiến và cảm xúc đang thịnh hành, chống lại xu thế của xã hội áp đặt những ý tưởng và tập quán của riêng nó thành qui tắc cư xử cho những người bất đồng với nó bằng những phương tiện ngoài khuôn khổ các trừng phạt dân sự; chống lại xu thế của xã hội trói buộc sự phát triển, ngăn cả việc hình thành bất cứ cá tính nào không hoà hợp với cung cách của nó. Có một sự giới hạn cho sự can thiệp hợp pháp của ý kiến tập thể với sự độc lập của cá nhân, việc tìm ra giới hạn này và giữ cho nó không bị lấn quyền là điều không thể thiếu để tạo điều kiện tốt cho hoạt động của con người cũng như bảo hộ chống lại sự áp chế chính trị. Tất cả những gì đem lại giá trị cho sự tồn tại cuẩ mỗi người phụ thuộc vào sự thực thi việc kiềm chế hành động của những người khác. Vì vậy, một số qui tắc cư xử nào đó cần phải được áp đặt, trước hết là bằng pháp luật và dư luận đối với nhiều vấn đề không phải là đối tượng áp dụng của pháp luật... Không có hai thời đại nào, và hiếm khi có hai đất nước nào lại quyết định giống nhau, và sự quyết định của một thời đại hay một đất nước này lại là điều gây ngạc nhiên cho thời đại và đất nước khác. Ấy thế mà dân chúng của một thời đại hay của một đất nước nào đó lại vẫn chẳng hề thấy khó khăn gì trong quyết định của họ, cứ như là chuyện nhân loại đã luôn thoả thuận như thế. Những qui tắc mà họ thiết lập với nhau có vẻ như là tự bản thân nó là hiến nhiên và đúng đắn đối với họ. Cái ảo tưởng gần như là toàn cầu đó là một trong những thí dụ về ảnh hưởng ma thuật của tập quán. Tác dụng của tập quán trong việc ngăn chặn sự hoài nghi đối với các qui tắc cư xử mà loài người áp đặt cho nhau lại càng triệt để, bởi vì tập quán là đối tượng được coi như là không cần phải đưa ra lý lẽ để giải thích, không những là người này đối với người kia mà cả mỗi người đối với chính bản thân mình. Dân chúng được tập cho thói quen tin tưởng và được khuyến khích giữ niềm tin rằng cảm nhận của họ đối với những thứ có bản chất như thế còn tốt hơn cả lý lẽ và xem lý lẽ là điều không cần thiết, rằng bất cứ ai cũng cần hành động giống như anh ta và cũng nên hành động giống những người mà anh ta yêu thích. Thực tế không ai chịu thừa nhận với chính mình rằng chuẩn mực xét đoán của anh ta chỉ là cái ý thích riêng của anh ta. Khi một ý kiến về quan điểm cư xử mà không được lý lẽ hậu thuẫn thì chỉ có thể coi là ý thích riêng của cá nhân, còn lý lẽ nếu có mà chỉ đơn thuần là lời hiệu triệu đối với một sở thích tương tự được cảm nhận bời nhiều người khác, thì nó cũng chỉ là ý thích của nhiều người thay vì một người mà thôi. Tuy nhiên, đối với một cá nhân bình thường thì cái sở thích riêng của anh ta được hậu thuẫn như thế, là lý lẽ hoàn toàn thoả đáng và duy nhất mà anh ta dựa vào để xét đoán về đạo đức, sở thích, tính đúng sai.
tóm tắt 3 (tiếp theo) : http://1980x.blogspot.com/2015/09/ban-ve-tu-do-john-stuart-millnguyen-van.html

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Bàn về tự do (John Stuard Mill _ Nguyễn Văn Trọng dịch) tóm tắt 1 (trang 17-23)

Bàn về tự do: bàn về tự do dân sự (tự do xã hội): tức là bàn về các giới hạn của quyền lực mà xã hội (nhà nước, chính phủ) có thể thực thi một cách chính đáng đối với cá nhân (công dân). Đây là vấn đề thực tế của thời đại, và chẳng bao lâu nữa người ta phải thừa nhận như là vấn đề sinh tử của tương lai.
Cuộc đấu tranh giữa tự do và quyền uy (quyền lực nhà nước) là đặc trưng nổi bật nhất của phần lớn lịch sử chúng ta, đặc biệt là trong lịch sử Hi Lạp, La Mã và nước Anh. Nhưng vào thời cổ xưa, đây là cuộc tranh đoạt giữa dân chúng (một giai cấp) với chính quyền. Quyền tự do thời đó là sự bảo vệ chống lại chuyên chế của kẻ nắm quyền chính trị. Kẻ cầm quyền bị coi là ở vị trí đối kháng với những người mà họ cai trị. Kẻ cầm quyền có thể là một phe nhóm hay một giai tầng, nắm giữ quyền uy do thừa kế hay chinh phục, nhưng trong trường hợp nào đi nữa cũng đều không phải do ý nguyện của người bị trị. Dù có vận dụng các biện pháp phòng vệ nào đi nữa nhằm chống lại các hành động áp bức, người ta cũng không dám ước mong tranh đoạt quyền tối thượng này. Quyền lực của kẻ cai trị được xem là cần thiết, nhưng cực kỳ nguy hiểm; kẻ cai trị có thể mưu toan sử dụng nó như một vũ khí chống lại dân chúng cũng giống như chống lại kẻ thù bên ngoài. Để ngăn chặn không cho các thành viên yếu ớt hơn của cộng đồng bị làm mồi cho những đàn kền kền khác thì cần phải có những con thú dũng mạnh hơn tất cả những con khác, được uỷ nhiệm đi ngăn cản chúng. Thế nhưng vua chúa của những con kền kền thì cũng thèm khát thịt bầy đàn không kém hơn những con quái vật tham lam khác, cho nên cứ mãi mãi không bao giờ chấm dứt thái độ đề phòng cái mỏ và móng vuốt của nó. Vì vậy, mục đích của những người yêu đất nước là thiết lập những giới hạn đối với quyền lực mà kẻ cầm quyền phải chịu, khi thực thi quyền lực đối với cộng đồng, và sự giới hạn này chính là cái mà ta muốn nói trong khái niệm tự do. Có hai phương cách được thử nghiệm: thứ nhất là dành được những quyền miễn trừ nào đó, được gọi là những quyền tự do chính trị, theo đó nếu kẻ cai trị bội ước lấn quyền thì bị coi là vi phạm trách nhiệm và một khi điều đó xảy ra thì sẽ có một sự kháng cự đặc biệt hay nổi loạn toàn thể được thực thi hợp pháp. Phương cách thứ 2: là hình thành một thiết chế kiểm tra theo hiến pháp; theo đó, sự tán đồng của cộng đồng hay một thực thể nào đó đại diện cho quyền lợi của họ, là điều cần thiết cho một số hành động nào đó của quyền lực cai trị. Chừng nào đó loài người vẫn còn phải chiến đấu với kẻ thù này bằng kẻ thù khác (kẻ cai trị) thì họ còn bị cam chịu cai trị bởi một ông chủ, thì họ chưa thể đưa ra được ý nguyện về tự do của mình.
Tuy nhiên thời đại mới đã đến, theo bước tiến bộ của các hoạt động con người, khi người ta không còn nghĩ đó như là một điều cần thiết tự nhiên (rằng kẻ thống trị phải là một quyền lực độc lập và đối lập về quyền lợi với họ), tốt hơn là các loại quan cai trị phải là người họ thuê làm hay là đại biểu có thể bị họ bãi miễn theo ý muốn. Họ tưởng chừng, bằng cách đó thôi, có thể có được sự an toàn triệt để, đảm bảo rằng quyền lực cai trị sẽ không bao giờ bị lạm dụng gây thiệt hại cho họ. Dần dần, cái đòi hỏi mới mẻ về những người cầm quyền có thời hạn và được bầu ra, trở thành mục tiêu trọng yếu trong nỗ lực của các đảng bình dân ở bất cứ đâu có đảng như thế, nó làm cho nỗ lực trước đây nhằm hạn chế quyền lực của kẻ cầm quyền bị gác lại ở một mức độ đáng kể. Khi người ta tiếp tục theo đuổi cuộc đấu tranh nhằm tạo ra quyền lực cai trị từ các cuộc lựa chọn định kỳ của người bị trị, thì một số người bắt đầu nghĩ rằng sự hạn chế của bản thân quyền lực đã được gán cho một tầm quan trọng hơi quá đáng. Biện pháp ấy chỉ nhằm chống lại người cầm quyền có quyền lợi thường xuyên đối lập với quyền lợi của người dân. Điều mong muốn bây giờ là người cầm quyền phải được đồng nhất với nhân dân, rằng quyền lợi và ý chí của họ phải là quyền lợi và ý chí của quốc gia. Quốc gia không cần phải được bảo hộ chống lại ý chí của chính mình. Không phải e sợ sự chuyên chế tự mình đối với chính mình. Hãy để những người cầm quyền chịu trách nhiệm một cách hiệu lực với quốc gia, có thể bị quốc gia bãi nhiễm nhanh chóng, và quốc gia tin cậy giao cho họ cái quyền lực mà quốc gia có thể điều khiển việc sử dụng ra sao. Quyền lực của họ chỉ là quyền lực của bản thân quốc gia, được tập trung lại dưới một hình thức tiện lợi cho việc vận dụng.
Giờ đây, người ta đã nhận ra rằng những từ như "nhà nước tự quản" và "quyền lực của nhân dân đối với chính mình" không biểu đạt được cái thực chất của nó. Cái nhân dân thực thi quyền lực không phải lúc nào cũng là cái nhân dân chịu sự thực thi quyền lực; còn cái nhà nước tự quản được nói tới không phải là cái nhà nước mỗi người tự quản lấy mình, mà là mỗi người bị quản bởi những người khác. Hơn thế nữa, cái ý chí của nhân dân trên thực tế có ý nghĩa là ý chỉ của số đông nhất hay của một bộ phận tích cực nhất của nhân dân; của cái đa số, hay của cái số người đã thành công trong việc được chấp nhận như là đa số; do đó mà nhân dân có thể muốn áp chế một bộ phận của mình; cho nên sự đề phòng  để chống lại bất cứ sự lạm quyền là rất cần thiết. Bởi vậy, sự giới hạn quyền lực của chính phủ đối với các cá nhân không mảy may mất đi tầm quan trọng khi những người nắm quyến phải thường kỳ giải trình trước cộng đồng.
tóm tắt 2 (tiếp theo) http://1980x.blogspot.com/2015/09/ban-ve-tu-do-john-stuard-mill-nguyen_17.html

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

CHUYỆN NGƯỜI ĐI TÌM CÔNG LÝ

Ở một xứ sở nọ, họ gọi là xứ thiên đường hay thần tiên. Ở đó rất lắm con đường và chúng thực vòng vèo, khó đi, nhưng chỉ có một đích đến, là tòa lâu đài nguy nga của kẻ cai trị xứ ấy.
Nhưng chưa một ai được thấy mặt nó thế nào mà chỉ mô tả qua lời kể của những người dân khốn khổ ở nơi đây. Vì kẻ cai trị đó độc tài, tàn ác và luôn trung thành đến mù quáng với một cuốn sách duy nhất mà kẻ này đang tìm kiếm trong đó thứ quyền lực nhằm hiện thực chúng để cai trị hữu hiệu hơn đối với đám dân thường ngu muội và cam chịu của mình.
Một hôm, có một người tên Lẽ Phải, ở nơi khác đến bị lạc và bị kẻ cai trị đó bắt giam và đem nhốt trong ngục tối.
Rồi một ngày nọ, có một người ở xứ sở khác đến tìm kiếm và làm sao thương thuyết với tên cai trị kia. Nơi anh ở là nơi mà người ta gọi là giãy chết, nơi của bất công, nguy hiểm, nơi không có tự do, không có con đường nào khác là rồi sẽ dẫn đến xứ thiên đường này.
Người ấy tên là Công Lý. Khi đến nơi. Anh liền hỏi một người dân trông khá giản dị gần đó:
- Ông, hãy làm ơn chỉ cho tôi biết nơi có Lẽ Phải được không? Tôi là người ở nơi khác mới đến.
Người dân kia thật thà chỉ dẫn:
- Cũng không khó lắm. Để tìm được Lẽ Phải, anh hãy rẽ trái, nhớ là chỉ luôn rẽ trái. Nhưng đầu tiên, anh hãy chuẩn bị một chiếc phong bao hoặc một chiếc túi thật to, bỏ vào trong đó càng nhiều thứ có giá trị càng tốt. Sau khi anh rẽ trái 4 lần mà từng lần vuông góc với nhau. Anh cứ thế đi thẳng. Đến khi gặp một người gác cổng tên là Tòa Án. Hãy đưa chiếc phong bao này cho họ và họ sẽ chỉ cho anh biết nơi có Lẽ Phải.
Nghe thấy vậy, Công Lý mừng lắm. Theo chỉ dẫn, anh đã đi với khí thế hừng hực và tin rằng mình sẽ sớm tìm được Lẽ Phải đã bị tên cai trị tàn ác kia bắt giam mà không một lý do.
Nhưng đi mãi, đi mãi, anh vẫn không thấy tới những ngã rẽ như người dân kia chỉ dẫn. Trên con đường ấy, con đường rất dài dẫn anh đi gần như khắp xứ thần tiên này, anh đã gặp rất nhiều cảnh đói khổ của người dân nơi đây. Nhiều người bị hà hiếp, cái ác thì hoành hành khắp nơi. Anh không biết làm cách nào để giúp hết được cả xứ sở thiên đường đầy xót xa trước mắt kia. Trong khi, chúng dân vẫn phải tôn thờ và xưng tụng kẻ cai trị tàn ác và hà khắc kia là đức cứu thế chúng sinh, cho chúng cuộc sống và sự cai trị ôn hòa, tốt đẹp hôm nay.
Anh đành lòng đi tiếp, dù lương thực đã hết, mọi tài sản có giá trị đã đem giúp dân và bán hết để chi tiêu, vậy là anh gần như khánh kiệt, nhưng vẫn phải giữ nguyên chiếc phong bao căng tròn kia để tìm ra Lẽ Phải mà anh tin đang ở rất gần.
Anh đi mà sức lực đã kiệt. Thời gian thấm thoắt gần 10 năm. Sau 4 lần rẽ vuông góc, anh đến được một cánh cổng và có người đàn ông đứng gác ở đó có tên là Tòa Án.
Anh liền vui mừng và như quên hết mọi mệt nhọc, đói khát đã qua. Anh hồ hởi hỏi:
- Anh là Tòa Án có phải không? Người canh gác Lẽ Phải?
Người đàn ông nhanh nhảu trả lời:
- Nơi này duy chỉ có ta là người ngươi đang tìm kiếm.
Như đã biết trước sự tình. Người gác cổng này lại nói tiếp:
- Có người nhờ người chuyển một chiếc túi đầy cho ta?
Anh liền chợt sực nhớ ra và vui vẻ đáp lời:
- Ngài đúng là tiên tri như biết cả mọi việc. Của ngài đây. Tất cả là vậy. Xin gửi tới ngài.
Người gác cổng đưa tay đón lấy chiếc túi nặng trĩu với vẻ rất vui mừng.
Người mang tên Công Lý nhìn kỹ nụ cười và thấy quen quen như của 10 năm trước đã gặp ở chính xứ này và tại nơi này.
Ngẫm nghĩ một lúc, anh nhận ra, chính ông ta là người chỉ đường năm nọ cho mình. Anh liền nghiêm mặt lại và hỏi ngay:
- Vẫn là ông? Tại sao ông làm mất thời gian, tiền của và sức khỏe của tôi, trong khi tôi trở về chỗ cũ và vẫn chỉ gặp ông?
Người gác cổng lạnh lùng một cách mánh khóe:
- Trong lúc anh đi, tôi đã được chỉ định làm người đứng đây chờ anh. Đừng nóng nảy như vậy.
Công Lý liền quát lên:
- Vậy đừng để mất thời gian thêm nữa. Hãy cho tôi gặp và thả Lẽ Phải ra ngay đi thôi.
Nguời gác cổng cầm túi đồ liền quay lưng lại, mở cánh cửa ra, đi vào, rồi đóng khép vội và ném vọng lại một câu văng vẳng:
- Ngươi tìm nhầm chỗ rồi. Lẽ Phải không có ở đây. Người cai trị đã thủ tiêu nó trước khi cảnh cửa này tồn tại.
Công Lý nghe đến thế, liền đột quỵ và cũng tức tưởi ra đi.
Người dân nơi đây thương tiếc khôn nguôi, đem Công Lý đến chôn cạnh Lẽ Phải ở gần ngay cánh cửa của tên gác Tòa Án ấy.
Hai ngôi mộ vô danh, không được ghi tên theo lệnh của kẻ cai trị đã ban bố từ khi Y tái lập nên xứ này.
nguồn: https://www.facebook.com/luatsuluanle/posts/1656913651219080

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

TT Obama trả lời câu hỏi: "Tại sao người trẻ cần quan tâm đến chính trị?"

Sau đây là một cuộc đối thoại giữa một sinh viên và Barack Obama, Tổng Thống Hoa Kỳ. Câu hỏi được đặt ra là “tại sao người trẻ cần quan tâm đến chính trị?”
Bethany: Xin thú thật với ông, trước khi tôi đến đây để thực hiện cuộc phỏng vấn này này cho YouTube, tôi không bao giờ theo dõi chuyện chính trị nhiều, và…
Obama: Bạn không phải là người duy nhất đâu.
Bethany: Rất nhiều khán giả của tôi, những người thuộc thế hệ trẻ, có vẻ như không quan tâm đến chính trị trong khi cá nhân tôi nghĩ rằng họ nên để tâm hơn nên câu hỏi của tôi cho ông là tại sao người trẻ cần phải quan tâm đến chính trị và tại sao nó lại quan trọng đối với họ?
Obama: Về cơ bản thì chính trị là cách để chúng ta tổ chức chính mình, một cách khoa học; về việc làm thế nào để đi đến những quyết định về cách chúng ta sẽ sống với nhau. Người trẻ quan tâm đến học phí đại học (ĐH) sẽ được trang trải ra sao, có phải không? Thì, sự thật của vấn đề là sở dĩ chúng ta có được những trường ĐH hiện nay là bởi vì ở một thời điểm nào đó, có những chính trị gia đã nói ‘các bạn biết gì không, chúng ta cần bắt đầu thiết lập các ĐH’ và rồi một ngày một người như Albraham Lincoln bắt đầu một ý tưởng gọi là ĐH Land-Grant. Ông ấy hiểu rằng chính phủ cần phải đầu tư và người dân cần có một nền giáo dục để sử dụng như một công cụ để thành đạt.
Các bạn là những người duy nhất sẽ sử dụng các trường cao đẳng và ĐH đó và nếu họ không được chính phủ tài trợ, học phí của các bạn sẽ tăng lên, các bạn sẽ đối đầu với nhiều khoản nợ, các bạn sẽ là những người bị ảnh hưởng. Vì vậy, tốt nhất là các bạn nên có một tiếng nói và hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra và ai là người đang quyết định những chuyện đó.
Nếu bạn quan tâm đến một đề tài chẳng hạn như quyền bình đẳng của những người đồng tính, những người thay đổi giới tính, các điều luật trong luật pháp có thể đảm bảo rằng họ không bị phân biệt đối xử. Nhưng các điều luật đó chỉ có thể được thông qua nếu chính trị cho phép chúng được thông qua.
Về môi trường, tôi lớn tuổi hơn bạn nhiều. Bạn sẽ còn ở lại rất lâu so với tôi. Nếu khí hậu cứ nóng dần và hạn hán cùng lũ lụt cứ gia tăng hay các đại dương cứ chết dần, bạn và con cái bạn sẽ là những người phải đối diện với các vấn đề đó. Chúng ta có thể ngăn chặn những điều này, nhưng chúng ta chỉ có thể ngăn chặn chúng nếu chúng ta cùng ngồi lại và bắt đầu sử dụng nhiên liệu một cách khác hơn. Cho nên, không có một quyết định nào trong cuộc sống của chúng ta không bị ảnh hưởng bởi luật pháp mà chúng ta có. Và chúng ta may mắn được sống trong một xã hội dân chủ, nơi mà tiếng nói của chúng ta có ảnh hưởng. Nhưng nếu chúng ta không tham gia…
Đơn giản là như vầy. Bạn và một số các bạn khác quyết định đi cinema. Rồi bằng cách nào đó các bạn phải quyết định sẽ đi xem phim gì vì không phải ai lúc nào cũng đồng ý với nhau cả. Các bạn sẽ phải thảo luận, phải đưa ra lý do của mình, và rồi sẽ phải thỏa hiệp; nếu không thì các bạn sẽ không gặp mặt nhau thường xuyên nữa. Đối với một quốc gia thì cũng tương tự như vậy. Chúng ta cần phải quyết định về đường hướng chúng ta muốn đi tới, về những việc chúng ta sẽ làm, về việc chúng ta sẽ sử dụng tiền tài của chúng ta như thế nào, về việc chúng ta sẽ đối xử với nhau như thế nào… Và bạn không muốn là người cứ nói ‘ok, sao cũng được, các bạn muốn làm như thế nào thì tôi sẽ làm như thế đó.’ Bạn sẽ muốn nói lên tiếng nói của mình và thể hỉện các giá trị của mình cùng những gì bạn quan tâm. Và đó là những gì vây quanh chính trị. Nó không phức tạp lắm đâu. Chỉ là những gì người ta thường làm với bạn bè và gia đình thôi. Người ta thương lượng và thỏa hiệp, cố gắng tìm ra giải pháp để chung sống với nhau. Chỉ có điều là chuyện này được thực hiện ở tầm vóc quốc gia và một số các vấn đề trở nên phức tạp nhưng các giá trị thì vẫn là những thứ bạn thường xuyên đề cập đến mà thôi. Đó là làm cách nào để có thể đối xử với nhau bằng lòng tốt, làm cách nào để quan tâm đến nhau, làm thế nào để cư xử với nhau. Và bạn biết không, tôi nghĩ người trẻ thường có những bản năng tốt nhưng đôi lúc họ chán nản vì những ồn ào và lời mắng nhiếc trên truyền hình. Chính trị không nhất thiết phải là như vậy.
Bethany: Cám ơn ông rất nhiều. (Hoàng Triết chuyển ngữ)
nguồn: https://www.facebook.com/nhatkyyeunuoc1/posts/1194268747266537:0