Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Quyền bình đẳng

Điều 52 Hiến pháp qui định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
Điều 63 Hiến pháp qui định: “công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và gia đình.”
Quyền bình đẳng trước pháp luật là một quyền con người, quyền công dân. Đó là quyền được xác lập tư cách công dân trước pháp luật; không bị pháp luật phân biệt đối xử và quyền có vị thế ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau. Nó được xem xét các cấp độ khác nhau.
Trước hết, quyền bình đẳng trước pháp luật được thể hiện là nhu cầu của một chủ thể tự nhiên với tư cách là một con người buộc phải có và cần phải có. Trong xã hội không thể có tự do nếu không có sự bình đẳng thật sự giữa các thành viên trong xã hội với nhau. Bản chất của sự bình đẳng là công nhận các giá trị như nhau của các thành viên xã hội trong tất cả các lĩnh vực khác nhau: kinh tế, xã hội và pháp luật.Thứ hai, quyền bình đẳng trước pháp luật là một giá trị của xã hội loài người. Dưới góc độ pháp lý, quyền con người trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật là một quan hệ pháp luật mà mỗi bên tham gia qua hệ đó đều có quyền và nghĩa vụ pháp lý . Quan hệ về bình đẳng chỉ được xác lập trên cơ sở của tự do và tự nguyện. Quyền bình đẳng trước pháp luật là quyền tự nhiên của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và nó phải được ghi nhận và bảo vệ bằng pháp luật. Chính pháp luật cũng ranh giởi, giới hạn sự bình đẳng với sự bình quân chủ nghĩa và không thể có bình đẳng nếu có người đứng cao hơn pháp luật. Quan niệm như vậy sẽ hóa giải được mâu thuẫn giữa hai lý thuyết về nguồn gốc quyền con người và phù hợp với đặc tính của quyền con người là: tính hiện thực và tính được thể chế hóa thành luật
Từ logic nay có thể khẳng định quyền con người là cái có trước và nhà nước với công cụ của nó là pháp luật chỉ làm nhiệm vụ ghi nhận và bảo vệ. Quyền bình đẳng tuyệt đối không phải là sự ban phát hay có thể xin- cho từ phía nhà nước mà chỉ là ghi nhận, đảm bảo thực hiện và bảo vệ khi nó bị xâm phạm.
Thứ ba, quyền bình đẳng trước pháp luật có nội dung thứ hai đó là quyền không bị pháp luật phân biệt đối xử trong việc hưởng các quyền và twhcj hiện các nghĩa vụ. Như trên đã nói, con người sinh ra về mặt có thể có sự khác nhau về chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo và địa vị xã hội. Tuy nhiên, đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc hưởng các quyền và chịu trách nhiệm pháp lý. Ngược lại, pháp luật luôn đặt giá trị bình đẳng làm thước đo, tiêu chuẩn để lấp đầy khoảng cách không bình đẳng đó bằng việc quy định các quyền, nghĩa vụ pháp lý ngang nhau. Quyền bình đẳng trước pháp luật không bị pháp luật phân biệt, đối xử còn có khía canh khác đó là quyền được hưởng tất cả các quyền con người như nhau ở mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh
Sự bất bình đẳng trong trong các nước XHCN ở Đông Âu trước đây là nguyên nhân của các cách mạng dân chủ mà ngọn cờ của nó là tự do, bình đẳng hơn. Biểu hiện của sự bất bình đẳng là đặt một quan hệ pháp luật nào đó ra ngoài vòng pháp luật: Chính quyền cộng sản ở các quốc đó đã đặt các tổ chức, đảng phái chính trị, các công dân không tuân phục đảng cộng sản ra “ngoài vòng pháp luật”… là những biểu hiện sinh động nhất cho việc vi phạm quyền bình đẳng trước pháp luật.
Chính vì vậy, sẽ không bao giờ có quyền bình đẳng trong đó có bình đẳng trước pháp luật nếu trong xã hội còn tồn tại một nhóm người tự cho mình những đặc quyền đặc lợi, tự cho mình ở vị trí cao hơn so với những thành viên khác trong xã hội.
Thứ tư, quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng: Quyền con người luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại từ nhiều phía. Đó có thể là các cá nhân khác trong xã hội cũng có thể từ phía công quyền. Khi những quyền đó bị xâm hại dưới góc độ bình đẳng trước pháp luật, con người đều có quyền được pháp luật bảo vệ như nhau với các quyền pháp lý nhất định. Bảo vệ quyền bình đẳng này cũng là cơ sở để bảo vệ các quyền khác của con người. Quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng là nhu cầu đòi hỏi cần có phương tiện, công cụ pháp lý từ phía nhà nước. Được thể hiện ở hai khía cạnh. Đó là quyền được bảo vệ quyền một cách bình đẳng và quyền được bảo vệ quyền bình đẳng. Bảo vệ quyền, xét ở cả hai khía cạnh này đều là việc trong pháp luật ghi nhận các quyền bình đẳng và tạo ra cơ chế bảo vệ quyền đó khi nó bị xâm phạm. Nội dung của quyền bình đẳng trong bảo vệ quyền đòi hỏi mọi hành vi vi phạm phạm đều phải bị xử lý như nhau trước pháp luật. Tòa án đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bảo vệ quyền con người và quyền bình đẳng trước pháp luật. Một tòa án công bằng nó phải là hiện thân của công lý là nơi nơi phẩm giá con người đứng trước tòa được thừa nhận như nhau và được bảo vệ như nhau. Tòa án án không phải là công cụ chuyên chính, không phải nơi để chà đạp, xúc phạm hạ nhục nhân phẩm con người.
Cuối cùng, người ta thực hiện quyền bình đẳng đó bằng công cụ pháp luật thông qua việc thể chế hóa và tạo ra cơ chế bảo vệ khi nó bị xâm phạm. Nói cách khác, quyền bình bình đẳng trước pháp luật là sự bao quát gần như toàn bộ các quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, dân sự, văn hóa xã hội dưới vùng “phủ sóng” của pháp luật. Điều này được quyết định bởi thuộc tính, vai trò của pháp luật trong xã hội với tư cách là các quy phạm do nhà nước ban hành và thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Trên bình diện luật pháp quốc tế. Quy định về quyền bình đẳng đầu tiên được đề cập trong các Điều 1, 2, 6, 7, 8 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR), sau đó được tái khẳng định trong các Điều 2, 3, 16 và 26 ICCPR, cụ thể như sau:
Về khía cạnh thứ nhất, Điều 1 UDHR nêu rõ, mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền...Điều 2 UDHR quy định, mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do…mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các địa vị khác. Ngoài ra, Điều này cấm phân biệt đối xử dựa trên địa vị chính trị, pháp lý của quốc gia hoặc lãnh thổ, bất kể là lãnh thổ độc lập, uỷ trị, quản thác, chưa được tự quản hay đang phải chịu bất kỳ hạn chế nào khác về chủ quyền.
Hai điều kể trên của UDHR được nhắc lại và cụ thể hóa trong các Điều 2 và 3 ICCPR. Theo Điều 2 ICCPR, các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác (Khoản 1). Các Khoản 2 và 3 Điều này đề cập đến nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp cần thiết…nhằm thực hiện các quyền được công nhận trong Công ước, và bảo đảm rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền và tự do như được công nhận trong Công ước đều nhận được các biện pháp khắc phục hiệu quả, cho dù sự xâm phạm này là do hành vi của những người thừa hành công vụ gây ra…Điều 3 ICCPR tập trung vào khía cạnh bình đẳng giữa nam và nữ, theo đó, các quốc gia thành viên Công ước cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đã quy định.
Về khía cạnh thứ hai, Điều 6 UDHR quy định, mọi người đều có quyền được công nhận tư cách là con người trước pháp luật ở mọi nơi. Quy định này được tái khẳng định nguyên văn trong Điều 16 ICCPR.
Về khía cạnh thứ ba, Điều 7 UDHR quy định, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào…Điều 8 UDHR cụ thể hóa một khía cạnh quy định ở Điều 7 khi nêu rằng, mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền cơ bản của họ mà đã được hiến pháp hay luật pháp quy định.
Điều 26 ICCPR tái khẳng định hai quy định kể trên của UDHR, đồng thời nêu rõ, về mặt này, pháp luật phải nghiêm cấm mọi sự phân biệt đối xử và đảm bảo cho mọi người sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả chống lại những phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác.
Hiến pháp Việt Nam năm 1992 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã khẳng định rằng mọi công dân đều có quyền bình đẳng. Nhưng trên thực tế tại Việt Nam, kể từ khi dành độc lập năm 1945 đến nay. Quyền bình đẳng của công dân vẫn bị xâm phạm và chưa thực sự được tôn trọng.
Những vi phạm về quyền bình đẳng của công dân biểu hiện như sau:
-          Những công dân Việt Nam có ý kiến, quan điểm, chính kiến về chính trị khác hoặc đối lập với đảng cộng sản cầm quyền thì thường bị sách nhiễu, bị qui kết là phản động, chống lại chính quyền và nhiều người bị cầm tù;
-          Những công dân có bài viết phê phán, chỉ trích đảng cộng sản cầm quyền, đòi thay đổi điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng thì đều bị qui kết phản động, bị sách nhiễu, nhiều người bị cầm tù;
-          Những công dân tham gia thành lập hoặc gia nhập các đảng phái, tổ chức chính trị đối lập với đảng cộng cũng bị qui kết phản động, bị sách nhiễu, nhiều người bị cầm tù.
-          Ngoài ra những công dân Việt nam theo đạo Tin Lành không thể gia nhập các lực lượng cảnh sát, an ninh.
Trên đây chỉ là một số biểu hiện tiêu biểu của quyền bình đẳng bị vi phạm. Rõ ràng, thiểu số những công dân Việt Nam là đảng viên đảng cộng sản được hưởng mọi quyền và lợi ích trong xã hội, được quyền áp đặt tư tưởng, ý trí của họ lên trên 84 triệu công dân không phải đảng viên đảng cộng sản. Nguyên nhân của sự bất bình đẳng hiện nay còn nằm ở điều 4 Hiến pháp. Điều 4 Hiến pháp đã trao quyền và cơ hội lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam vào tay của nhóm thiểu số hơn ba triệu đảng viên đảng cộng sản. Đồng thời, điều 4 Hiến pháp lại tước đi quyền và cơ hội lãnh đạo nhà nước và xã hội của đại đa số hơn 84triệu công dân khác. Đây sự bất bình đẳng giữa các công dân Việt Nam với nhau. Nhóm người thiểu số trong xã hội đã lấn át quyền và lợi ích của đại đa số người dân.
Quyền bình đẳng là một trong những giá trị vĩ đại của văn minh con người.  Nó là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của loài người mới đạt được. Nó không là một giá trị nhất thành bất biến mà có quá trình phát sinh, phát triển theo hướng luôn được làm mới và bổ sung cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Các giá trị đó do xã hội sáng tạo ra và thuộc về xã hội về xã hội. Mọi công dân không biệt đều phải được hưởng những giá trị vĩ đại của quyền bình đẳng.
Chúng ta mong muốn rằng đảng cộng sản nhận ra sự bất bình đẳng mà họ đã và đang áp đặt trên hệ thống chính trị, trong luật pháp và trong xã hội. Đảng cộng sản Việt Nam hãy thay đổi, tôn trọng quyền bình đẳng giữa các công dân Việt Nam cho dù họ có quan điểm, chính kiến chính trị đối lập với mình. Đó là nền tảng để xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
                                                                                                                        @VNHRC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét