CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI (Các quyền không thể tước bỏ)
"Chúng ta coi những sự thật sau đây là hiển nhiên: mọi con người được sinh ra đều bình đẳng, họ đã được tạo hóa ban cho một số quyền không thể tước bỏ được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Để bảo đảm cho các quyền đó, các chính phủ được thiết lập nên với quyền lực chính đáng dựa trên sự nhất trí của những người bị quản lý (người dân)."
Các chính phủ trong thể chế dân chủ không ban phát các quyền tự do cơ bản mà chính các chính phủ đó được lập ra để bảo vệ các quyền tự do đó - các quyền mà mọi cá nhân hiển nhiên có do sự tồn tại của mình.
Các quyền không thể tước bỏ bao gồm các quyền:
Tự do ngôn luận, thể hiện và tự do báo chí.
Tự do tôn giáo.
Tự do hội họp và lập hội.
Quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật.
Quyền được xét xử công bằng và theo đúng trình tự tố tụng.
Tự do ngôn luân:
"Các công dân trong thể chế dân chủ được sống với một niềm tin chắc chắn là thông qua trao đổi cởi mở về các tư tưởng và quan điểm, chân lý và sự thật sẽ được tìm thấy để chiến thắng sai lầm hay dối trá, đồng thời các quan điểm hay các tư tưởng khác sẽ được nhận biết giá trị rõ hơn, các vấn đề thỏa hiệp cũng được xác định rõ ràng và khi đó con đường dẫn tới tiến bộ, phát triển sẽ được khai thông. Sự cởi mở trong trao đổi càng lớn thì kết quả càng tốt đẹp. "
Trái hẳn với các chế độ độc tài, các chính phủ dân chủ không kiểm soát, ra lệnh hay đánh giá nội dung của bài viết hoặc bài nói chuyện.
Nhưng chính phủ nên làm gì trong trường hợp các phương tiện thông tin hoặc một số tổ chức khác lạm dụng quyền tự do ngôn luận để tạo ra các thông tin mà theo đa số là không đúng sự thật, phản cảm, vô trách nhiệm hoặc đơn giản chỉ là khó chấp nhận? Nói chung, câu trả lời sẽ là: không làm gì cả! Đơn giản chỉ là: công việc của chính phủ không phải để xử lý những vấn đề như thế. Nói chung, phương thuốc cho tự do ngôn luận chính là ngôn luận tự do hơn. Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng nhân danh ngôn luận tự do, thể chế dân chủ đôi khi phải bảo vệ quyền của các cá nhân và các tổ chức khi họ tự cho rằng các chính sách phi dân chủ đang đàn áp ngôn luận tự do. Các công dân của xã hội dân chủ bảo vệ các quyền này với một niềm tin tưởng là sự tranh luận cởi mở cuối cùng sẽ dẫn tới sự thật lớn hơn và các hành động của dân chúng sẽ khôn ngoan hơn so với khi ngôn luận hay sự bất đồng bị bóp nghẹt.
Hệ quả của tự do ngôn luận là quyền của nhân dân được nhóm họp và đòi hỏi một cách ôn hòa chính phủ phải lắng nghe những mối bất bình của họ. Không có quyền hội họp, không có quyền được lắng nghe, khi đó tự do ngôn luận không còn giá trị nữa. Do đó, tự do ngôn luận coi như là vô nghĩa nếu không được gắn bó mật thiết không thể tách rời với quyền hội họp, phản kháng và quyền đòi hỏi thay đổi. Các chính phủ dân chủ có thể quy định một cách hợp pháp về thời gian và địa điểm của các cuộc tập hợp và tuần hành chính trị để duy trì hòa bình, nhưng họ cũng không thể sử dụng quyền lực để đàn áp sự phản kháng hoặc ngăn cản các nhóm, các tổ chức phản đối lên tiếng cho công luận nghe rõ.
Tự do và tín ngưỡng
Tự do tín ngưỡng, hay nói rộng hơn là tự do về nhận thức có nghĩa là không ai bị đòi hỏi phải tin theo một tôn giáo hoặc một niềm tin nào ngược lại với mong muốn của chính họ. Hơn nữa, không ai bị trừng phạt hay ngược đãi bằng bất kỳ hình thức nào chỉ vì họ chọn lựa tôn giáo này chứ không phải tôn giáo khác, hoặc không chọn lựa một tôn giáo nào cả.
Tư cách công dân: Quyền và trách nhiệm
Các thể chế dân chủ dựa trên nguyên tắc là chính phủ tồn tại để phục vụ nhân dân, còn nhân dân không tồn tại để phục vụ chính phủ. Khi nhà nước bảo vệ quyền của công dân, thì đáp lại, công dân trung thành với nhà nước của họ. Dưới một chế độ độc tài, nhà nước tồn tại như một thực thể tách rời xã hội, đòi hỏi lòng trung thành và sự phục vụ từ những người dân của họ mà không có một bổn phận tương xứng nào đối với dân chúng, để đảm bảo có được sự nhất trí của người dân đối với các hành động của họ.
Tương tự, các công dân trong một xã hội dân chủ được tận hưởng quyền tham dự vào các tổ chức không phụ thuộc vào chính phủ và được tự do tham gia vào các hoạt động của xã hội. Đồng thời họ cũng phải chấp nhận nghĩa vụ đi kèm quyền tham gia đó: Tự tìm hiểu và học hỏi về các vấn đề, biết dung hòa khi xử sự với những người có quan điểm trái ngược, và biết thỏa hiệp khi cần thiết để đạt được thỏa thuận.
http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_whatisdemocracy_ii.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét