Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Quyền riêng tư của lãnh đạo đến đâu?

Trong một tháng trở lại đây, cả thế giới xôn xao với vụ bê bối tình ái của tổng thống Pháp, ông Francois Hollande.Sự việc này gợi ra một câu hỏi thú vị: quyền riêng tư của lãnh đạo giới hạn đến đâu?
Dưới các triều đại phong kiến, một nguyên tắc phổ quát được áp dụng hầu như ở mọi nơi: lãnh đạo tối cao có quyền riêng tư tuyệt đối, không ai được phép “phạm thượng.” Tên vua không được nhắc, mặt chúa không được nhìn.

Điều này thay đổi nhanh chóng khi thế giới chuyển sang thời hiện đại. Tuy vậy, lần này thì không có một nguyên tắc chung nào nữa.
Báo chí Anh hiện cũng đang xoáy sâu vào vụ nguyên thủ lĩnh Đảng Dân Chủ Tự Do của Anh, Thượng nghị sĩ Christopher Rennard, bị cáo buộc quấy rối tình dục với các nhân viên nữ dưới quyền. Mặc dù không có chứng cứ cụ thể và chỉ dựa vào lời khai của nữ bị hại, sự nghiệp chính trị của ông này coi như đã chấm dứt. Xa hơn một chút, scandal tình ái với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky cũng khiến cho cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton suýt phải từ chức
Dẫu người Pháp có nói “Việc công dừng lại ở cửa buồng ngủ,” một điều dễ nhận thấy rằng đã làm người của công chúng thì hầu như không còn khái niệm “quyền riêng tư” nữa. Người dân có quyền được biết mọi mặt trong đời sống của lãnh đạo, qua đó để quyết định xem liệu họ có làm đúng chức trách và bổn phận của mình, có lạm dụng quyền lực để phục vụ lợi ích bản thân, hay có đủ “tư cách đạo đức” để đứng đầu quốc gia hay không.
 Điều này buộc các lãnh đạo phương Tây, và cả gia đình của họ, phải “sống đàng hoàng,” bởi nhất cử nhất động đều được công chúng chú tâm theo dõi.

Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia châu Á, có vẻ như quyền riêng tư của lãnh đạo là bất khả xâm phạm. Bất cứ hành động nào đả động đến những người đứng đầu sẽ bị phản ứng rất mạnh mẽ, nhiều khi đi kèm với hình phạt nặng.
Hầu như chưa có tờ báo nào đưa tin scandal của lãnh đạo ở Châu Âu hay Mỹ mà bị “trừng trị thích đáng.”
Điều này thực hiện được là bởi tự do báo chí được pháp luật các nước này bảo vệ rất nghiêm ngặt. Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được quy định ngay tại Tu Chính số 1 của Hiến Pháp Mỹ, gần như là bất khả xâm phạm. “Dựa hơi” từ luật pháp, cộng với văn hóa chính trị cởi mở, báo chí được coi là quyền lực thứ tư trong xã hội phương Tây.
Ai cũng muốn đời tư của mình được tôn trọng, nhưng có lẽ khi gánh trên vai vận mệnh một quốc gia, các lãnh đạo phải chấp nhận một cuộc sống minh bạch hơn.

Điều đó tốt cho cả họ lẫn công chúng: nếu lãnh đạo không làm điều gì sai trái, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân sẽ tăng lên và giúp họ hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn.

Nếu lãnh đạo làm sai, công chúng có quyền được biết, phản ứng, và đưa ra những “hình phạt” của mình. Bởi lãnh đạo không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ.

Để có được sự minh bạch của lãnh đạo, điều kiện cần là báo chí phải được “cởi trói” để thực hiện đúng bổn phận cung cấp thông tin cho quần chúng.

Karl Marx, người từng được cho là cổ vũ cho báo chí định hướng, đã nói rằng tự do báo chí là điều kiện bắt buộc ở mọi xã hội bởi nó cho thấy sự hiện diện tích cực của tự do.
Khi còn là một nhà báo ở Đức, ông từng bị bắt giữ nhiều lần do chỉ trích chính quyền và hoàng gia Phổ (Prussia), cuối cùng bị trục xuất và phải sống lưu vong ở London, nơi ông hoàn thành bộ “Tư bản” nổi tiếng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét