Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Mảnh sắt gỉ trong kho báu Aziz Nesin

Vào một thời kì xa xôi ở một xứ sở kia không có cái gì cả. Xứ sở này có một quốc vương. Quốc vương có một kho báu. Trong kho báu, theo lưu truyền, có giữ một báu vật vô giá duy nhất của đất nước. Dân chúng ai cũng tự hào về cái vật báu do tổ tiên để lại. "Dù chúng ta không có cái gì, nhưng tổ tiên đã để lại cho chúng ta gìn giữ một báu vât." -Họ huênh hoang như vậy mà quên đi những khó khăn túng thiếu của mình.
Vì cái báu vật này không thuộc về một người nào, cũng chẳng phải của hai người, mà là tài sản của toàn thể dân chúng, nên mỗi người đều cho rằng trong cái báu vật ấy có phần của mình, vì thế bằng niềm tin và sự thật họ ra sức bảo vệ gìn giữ nó.
Mặc dù báu vật ấy là tài sản của toàn dân, song nơi gìn giữ thích hợp nhất đối với nó là kho tàng của quốc vương. Những người lính gác có vũ trang ngày đêm túc trực bảo vệ kho báu. Thậm chí một con chim cũng không thể bay qua nơi cất giữ báu vật.
Quốc vương và các vị đại thần - tất cả những người có thế lực trong hoàng cung - năm nào cũng vào một ngày nhất định làm lễ tuyên thệ trung thành với báu vật mà tổ tiên để lại.
Một hôm quốc vương bỗng nảy ra ý muốn được xem cái báu vật mà nhân dân phải gìn giữ như con ngươi của mình ấy là vật gì. Ngài khao khát muốn nhìn thấy cái vật cất trong hộp linh thiêng ấy. Cuối cùng không nhịn được ngài đi đến kho báu. Những người lính canh cho ngài vào. Quốc vương, thừa tướng và các vị đại thần bao giờ cũng được tự do vào kho để kểm tra xem cái vật báu mà họ có trách nhiệm bảo vệ có còn trong hộp hay không. Để nhìn thấy cái hộp linh thiêng ấy phải bước vào phòng thứ nhất từ đó sang phòng thứ hai, rồi lại tiếp một phòng nữz, cứ như vậy phải đi qua bốn mươi phòng, và đến phòng thứ bốn mốt mới là phòng cất giữ những chiếc hộp quý, hộp nọ lồng hộp kia. Còn vật báu thì nằm trong chiếc hộp thứ bốn mốt.
Quốc vương đã mở hết bốn mươi cánh cửa. Ngài bước vào phòng thứ bốn mốt. Ngài mở hết bốn mươi chiếc hộp xong thì hồi hộp cầm lấy chiếc hộp thứ bốn mốt. "Không biết cái vật báu mà chúng ta gìn giữ bao nhiêu năm nay là vật gì đây?" -Ngài hồi hộp tự hỏi mình.
Khi ngài mở nắp ra thì trước mắt ngài hiện ra một báu vật đẹp chưa từng thấy trên đời này. Nó đỏ rực như lửa, vàng không phải vàng, bạch kim không phải bạch kim, lại càng không phải bạc. Quốc vương không kìm nổi lòng thèm muốn. "Ta sẽ lấy cái báu vật này và thay vào nó là một mãu bạch kim có khảm ngọc trai và đá quý. Chưa ai được nhìn thấy vật báu nên mọi người sẽ không thể pháp hiện ra sự đánh tráo này."
Quyết định thế nào ngài làm đúng như vậy. Sau đó, ngà lần lượt nét tất cả các cái hộp vào nhau, đóng lần lượt tất cả các cửa phòng lại, rồi bước ra ngoài.
Tuy đã ra đến ngoài nhưng có ai bảo đảm cái vật báu giả kia bị phát hiện? Để không ai biết ngài đã ăn cắp vật báu, từ hôm đó quốc vương ra lệnh hàng năm phải làm lễ cầu nguyện hai lần, chứ không phải một lần như trước. Từ đó mỗi năm hai lần quốc vương và toàn thể thần dân lại tập trung trên quảng trường thề trung thành và bảo vệ vật báu thiêng liêng do tổ tiên để lại.
Người ta nói thừa tường là người đa mưu túc trí. Ông cứ nghĩ và phỏng đoán mãi về chuyện tại sao quốc vương bỗng ra lệnh phải cầu nguyện mootjnawm hai lần, trong khi trước đây chỉ một lần là đủ.
"Mà cái báu vật mà chúng ta phải gìn giữ ấy thực ra là vật gì nhỉ?" - Thừa tướng nghĩ. Cuối cùng, không chịu được , ngài đến kho tàng. Sau khi đi qua bốn mươi phòng và mở bốn mươi chiếc hộp ngài nhìn thấy một báu vật. Miếng bạch kim lớn có khảm ngọc mà quốc vương để vào đấy thay cho báu vật làm cho thừa tướng sửng sốt. "Ta phải lấy cái báu vật này, - ngài nghĩ, - và thay thế bằng một miếng vàng có chạm đá quý. Vì không ai biết báu vật ấy là vật gì. Giả sử có ngày nào người ta mở cái hộp ra thì cũng không ai nghĩ rằng báu vật đã bị đánh tráo!"
Nói là làm. Nhưng sợ việc đánh tráo bị phát hiện nên ngài xin với quốc vương cho tổ chức lễ cầu nguyện thường xuyên hơn. Vậy là người ta bắt đầu cầu nguyện bốn lần trong năm, vào các mùa xuân, hạ, thu, đông.
Một trong các vị đại thần nghe nói cũng là người khôn ngoan. Ông này cũng suy nghĩ tại sao bỗng dưng lại làm lễ cầu nguyện bốn lần trong năm trong khi cách đây không lâu mới chỉ có hai lần. Sử dụng quyền hạn của mình và cũng không nói với ai lời nào, một hôm ông cũng đến kho báu. Sau khi qua bốn mươi gian phòng và mở ra bốn mươi mốt chiếc hộp ngài nhìn thấy thước mắt một vật bằng vàng lóng lánh có chạm đá quý. "Hay là ta thay vào đay mẫu bạc, vì cũng chẳng ai biết được?" Nghĩ sao ngài làm như vậy.
Sợ việc ăn trộm có thể bị phát hiện ngài lại quyết định bắt dân chúng phải cầu nguyện mỗi tháng một lần. Làm như vậy ngài muốn chứng minh lòng trung thành của mình với báu vật tổ tiên.
Từ đó dân chúng bắt đầu tập trung ở quảng trường mỗi tháng một lần và mọi người đều thề nguyền sẽ bảo vệ vật báu đến giọt máu cuối cùng.
Vị đại thần trông coi hoàng cung cũng là người biết suy nghĩ. Khi thấy buổi lễ tăng lên mỗi tháng một lần, ngài nghĩ: "Trong chuyện này có cái gì hơi lạ. Ta phải đi xem cái vật đó là vật gì." Ngài đi qua bốn mươi mốt gian phòng và mở ra bốn mươi mốt cái chiếc hộp và nhìn thấy vật quý. Vừa nhìn thấy ngài đã thích ngay. Và ngài nghĩ bụng: "Hay là ta đem đánh tráo nó bằng một miếng đồng? Ai biết được?" Nghĩ thế nào ngài làm thế. Nhưng sau đó ngài cũng sợ bị phát hiện. Nên ngài quyết định tăng số buổi cầu nguyện lên mỗi tuần một lần.
Viên đội trưởng đội canh gác cho kho báu cũng nghĩ: "Sao lại như thế nhỉ? Tuần nào cũng thề nguyện trung thành. Ta phải xem trong đó cất cái gì?"
Như mọi người khác anh ta cũng đi qua bốn mươi mốt gian phòng và mở bốn mươi mốt cái hộp. Khi nhìn thấy miếng đồng sáng loáng mặt anh rạng rỡ vì sung sướng. "Ta sẽ đổi miếng sắt vào đây! Dù sao cũng không ai biết được!"
Anh ta thực hiện điều vừa nghĩ, nhưng việc làm đó khiến anh lo lắng. Để cố tỏ lòng trung thành không tiếc sức lực và sinh mạng để gìn giữ báu vật, anh bắt đầu thề nguyện mỗi ngày một lần. 
Một thời gian sau trong dân chúng có người tuyên bố:
-Đã nhiều năm qua chúng ta thề nguyện không tiếc sức, tiếc sinh mạng để gìn giữ báu vật do tổ tiên để lại. Và quả thực chúng ta đã gìn giữ rất cẩn thận vật báu đó trong kho. Nhưng liệu có ai biết báu vật đó là vật gì không? Tại sao chúng ta không thử mở xem? Nào chúng ta hãy cùng vào kho báu mở cái hộp ra xem vật báu đó là vật gì mà chúng ta phải gìn giữ cẩn thận như thế?
Những lời nói của ông ta như tiếng sét giữa trời. Tất cả những người đã đánh tráo báu vật, đứng đầu là quốc vương, đều nhảy xổ vào đám người đã dám có thái độ xấc xược đó. Mỗi người đánh tráo báu vật đều nghĩ chỉ mình làm việc đánh tráo. Không ai biết gì về hành động của những người khác, mọi người đều run lên vị sợ bị vạch trần.
Họ càng hung hăng hơn lao vào con người dám xáo động sự yên tĩnh và buộc anh ta là đã có ý muốn xúc phạm vật linh thiêng.
- Chà đồ vô lại! Anh có công lao gì mà dám đòi xem vật thiêng của tổ tiên để lại?
Sau khi thuyết phục dân chúng rằng hắn là một tên tội phạm, mọi người đã xông vào con người này. Chỉ chút nữa là hắn bị giết. Nhưng lúc ấy quốc vương nói:
- Nếu giết hắn thì phải giết cho đúng luật. -Ngài nói.
Vậy là người ta thảo ra một sắc lệnh. Sau đó đã hành hình kẻ có tội.
Nhưng không dễ gì bắt mọi người quên đi những lời anh ta nói. Những lời đó cứ truyền đi từ miệng người này sang miệng người khác và tan đi như hòn tuyết.
Rồi một hôm có một người nữa cũng nảy ra ý định muốn xem báu vật mà người ta canh gác cẩn mật ấy là vật gì. Nhưng biết rằng việc làm đó sẽ nguy hiểm đến tính mệnh nên anh ta không nói cho ai biết ý định của mình và một mình lẻn vào kho báu. Nhưng quốc vương, thừa tướng và các vị đại thần cùng những người đánh tráo vật báu luôn luôn lo sợ sẽ có kẻ phát hiện ra sự lừa đảo của mình nên ganh đua nhau canh gác vật báu, hay chính xác hơn là cái vật đã bị mình đánh tráo. Vì thế khi con người kia lẻn vào trong kho báu thì đã rơi ngay vào tay của họ. Người ta tóm được người này đúng lúc anh ta đã lấy được báu vật và đang định giơ ra cho dân chúng xem. Nhưng than ôi, trong tay anh ta chỉ là miếng sát gỉ đã được ai đó thay vào chỗ vật báu.
-Nhưng vật báu đó không phải là vật này! - Nhìn thấy mảnh sắt gỉ viên coi kho kêu lên.
- Không phải vật này! - Thừa tướng thốt lên
- Không phải vật này! - Viên đại thần kêu.
- Không phải vật này! - Tất cả mọi người đứng đầu là quốc vương đều kêu to.
Khi đó người đang cầm miếng sắt gỉ mới nói:
- Tại sao các vị biết đó không phải là vật báu? Nghĩa là các vị đã nhìn thấy vật báu thật rồi à?
Không ai trong số những người vừa kêu trả lời được câu nào. Mỗi người đều hiểu rằng cái vật mà họ đặt vào chỗ vật báu đã bị tên trộm sau đó đánh tráo. Sau khi nhanh chóng thủ tiêu con người bị bắt giữ, họ đem miếng sắt gỉ đặt lại vào trong hộp thiêng. Sau đó lần lượt nhét tất cả các hộp vào nhau rồi bỏ đi, khóa chặt cửa bốn mươi mốt căn phòng. Nhưng vì trong lòng họ vẫn thấy không yên tâm nên họ ban sắc lệnh mới về bảo vệ vật báu. Theo lệnh này toàn dân có nghĩa vụ phải thề nguyện trung thành báu vật một ngày ba lần sáng, trưa, chiều.
Dân chúng nghiêm chỉnh chấp hành lệnh. Và không ai trong số những người ngoan ngoãn thề nguyện ấy (không bao giờ )biết được cái vật báu mà họ hết sức trung thành bảo vệ ấy chỉ là miếng sắt gỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét