Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Kiến nghị thứ 2 về cải cách thể chế

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------o0o--------
Nam Định, ngày 20 tháng 1 năm 2014
KIẾN NGHỊ THỨ 2 VỀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ
(Nâng cao năng lực giám sát và tính chuyên trách của đại biểu Hội đồng nhân dân để chống tham nhũng và xây dựng đất nước) 
Kính gửi:
- TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
- CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG
- CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN SINH HÙNG
- THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG
- CÁC ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
- CÁC ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẢ NƯỚC 
I/ NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Tôi là: Ngô Ngọc Trai
Trưởng Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Nam Định
II/ CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN VIỆC KIẾN NGHỊ
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 Điều 28 quy định: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ
Từ lâu rồi Đảng và Nhà nước đã quan tâm xử lý tình trạng tham nhũng, nhiều chính sách đã đề ra nhưng tới nay vấn đề tham nhũng vẫn nghiêm trọng tới mức ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, làm nghèo và chậm tiến đất nước.
Có một biện pháp chống tham nhũng rất hiệu quả, dễ thực hiện nhưng đã không được quan tâm đúng mức. Biện pháp này rất căn bản và mang tính khoa học mà nếu thực hiện dứt khoát thì sẽ tạo hiệu quả xoay chuyển trong công cuộc chống tham nhũng.
Đó là nâng cao hiệu quả giám sát, nâng cao tỉ lệ đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách. Khai phóng tiềm năng giám sát của thiết chế Hội đồng nhân dân (HĐND).
Tham nhũng lâu nay chẳng qua là do buông lỏng giám sát, mặt khác tham nhũng cơ bản xảy ra ở khâu triển khai thực thi chính sách. Do vậy cần tách bạch nhân sự giữa cán bộ thuộc cơ quan hành pháp thực thi chính sách với người giữ vai trò giám sát. Lâu nay tình trạng kiêm nhiệm rất phổ biến ở Hội đồng nhân dân các cấp.
Xem xét cơ cấu nhân sự đại biểu HĐND của một số tỉnh, thành phố thì thấy:
HĐND Thành phố Hà Nội, trong số 95 đại biểu thì có 28 người là cán bộ hành pháp gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các cấp và Giám đốc, Phó giám đốc và cán bộ chuyên môn thuộc sở.
HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 95 đại biểu thì có 26 người là cán bộ hành pháp gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các cấp và Giám đốc, Phó giám đốc và cán bộ chuyên môn thuộc sở.
Xem xét một tỉnh ngẫu nhiên như Bình Phước, trong số 63 đại biểu HĐND có 23 người là cán bộ hành pháp gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các cấp và Giám đốc, Phó giám đốc và cán bộ chuyên môn thuộc sở.
Những người giữ vị trí trong bộ máy hành pháp đúng ra cần phải được giám sát chặt chẽ nhất trong việc thực thi pháp luật, làm đúng chính sách, không được tư lợi, tại sao lại để họ giữ vai trò giám sát? Như thế thì làm sao tránh được tham nhũng?
Cũng cần hết sức lưu ý là ngoài số đại biểu kiêm nhiệm như trên thì số đại biểu còn lại không phải đã là chuyên trách. Qua xem xét danh sách thì trong số 95 đại biểu của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, không có đại biểu nào là không kiêm nhiệm một chức vị nào khác.
Chức vị kiêm nhiệm thì đa dạng có thể là cán bộ ngành thanh tra, ngân hàng, lãnh đạo các doanh nghiệp, tòa án, viện kiểm sát…
Nếu coi đại biểu chuyên trách là không kiêm nhiệm chức vị nào ngoài vị trí của cơ quan giám sát hoặc chỉ giữ chức vị trong cơ quan giám sát thì TP Hà Nội có 10 đại biểu chuyên trách trong tổng số 95. TP Hồ Chí Minh có 4 trong tổng số 95. Tỉnh Bình Phước có 3 trên tổng 63 đại biểu.
Cách đánh giá trên chỉ tương đối nhưng cơ bản là xác thực, cho thấy số lượng đại biểu HĐND chuyên trách rất nhỏ bé so với số kiêm nhiệm, điều này đương nhiên là làm suy yếu thiết chế HĐND, lãng phí năng lực hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND.
Khi năng lực giám sát bị suy yếu và lãng phí thì tham nhũng tràn lan là không tránh khỏi. Tình trạng kiêm nhiệm cũng dẫn đến phân tán thời gian công sức và trí tuệ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả thấp trong hoạt động bàn luận và xây dựng chính sách. Đất nước nghèo nàn và chậm tiến cũng từ đó mà ra.
Nâng cao năng lực giám sát để chống tham nhũng, đây không phải là giải pháp mới lạ hay cao siêu mà mọi người không biết, tuy nhiên bao năm qua nói nhiều đến tính chuyên trách của cơ quan giám sát nhưng kết quả tình trạng kiêm nhiệm vẫn như hiện tại? Sẽ rất khó hiểu khi mà một mặt thì chống tham nhũng nhưng mặt khác lại không quyết liệt trong việc thực hiện phương sách chống tham nhũng?
IV/ KIẾN NGHỊ
Đề nghị thứ nhất
Từ các vấn đề trên tôi đề nghị các Quý ông cùng cấp có thẩm quyền xem xét giảm mạnh số lượng đại biểu HĐND kiêm nhiệm, tăng cao số lượng đại biểu chuyên trách. Việc này có thể thực hiện chỉ trong một kỳ bầu cử, số lượng đại biểu chuyên trách cần tăng lên ở mức 70, 80%.
Chỉ cho kiêm nhiệm đối với người giữ vị trí trong Đảng và các tổ chức xã hội.
Cần có quan điểm dứt khoát và rõ ràng trong hoạt động này vì đây là giải pháp căn cơ và khoa học cho việc chống tham nhũng và xây dựng đất nước. Thực hiện hay không sẽ cho thấy lãnh đạo Đảng và Nhà nước có thực tâm chống tham nhũng hay không, và cho thấy mức độ trách nhiệm như thế nào tới đời sống người dân và sự phát triển của đất nước.
Đề nghị thứ hai
Trong kỳ bầu cử HĐND tới đây, những người là Chủ tịch, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân, Giám đốc, Phó giám đốc các sở, cán bộ sở phải thôi không tham gia HĐND. Những người là lãnh đạo doanh nghiệp khi được bầu cũng phải thôi chức ở doanh nghiệp để tập trung thời gian cho hoạt động của đại biểu HĐND.
Những người đã là đại biểu quốc hội thì không được làm đại biểu HĐND nữa.
Nếu làm được như thế sẽ khai phóng một nguồn năng lực vô cùng to lớn của HĐND và đại biểu HĐND mà bấy lâu nay bị suy yếu lãng phí. Hãy thử tưởng tượng nếu TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không phải 10 hay 4 mà là 70 hay 80 đại biểu chuyên trách thì năng lực giám sát sẽ tăng cao ở mức độ nào? Từ đó nhân rộng ra 63 tỉnh thành phố  thì năng lực và mức độ giám sát đối với cơ quan chính quyền các cấp sẽ ra sao? Ở phương diện tổng thể quốc gia, khi năng lực giám sát trong toàn xã hội tăng lên thì tỷ lệ nghịch với đó là mức độ tham nhũng sẽ giảm xuống.
Khi đó có thể yên tâm bỏ đi không cần tổ chức HĐND cấp quận huyện và xã phường.
Đề nghị thứ ba
Số lượng đại biểu HĐND chuyên trách mở rộng dành cho những người ngoài đảng hay mạnh dạn hơn thì dành cho cả những người lâu nay vẫn có ý kiến khác với quan điểm của đảng về một số vấn đề. Quốc hội hay HĐND là cơ quan bàn luận để làm chính sách, khi đa dạng các thành phần thì sẽ có nhiều quan điểm ý kiến khác nhau, sự va đụng giữa các ý kiến sẽ làm sáng tỏ các vấn đề, khai minh trí tuệ, từ đó mà có được chính sách đúng đắn.
Trên đây là mấy nội dung kiến nghị, rất mong được quan tâm.
Xin trân trọng cảm ơn!
Thông tin liên hệ: Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, địa chỉ: 106/1 Lương Thế Vinh, phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định. Email: <a></a><a>lsngoctrai@gmail.com</a> Website: <a>www.ngongoctrai.com</a>
Người kiến nghị 
Đã ký 
Luật sư Ngô Ngọc Trai

 nguồn: http://www.ngongoctrai.com/su-kien-phap-ly/1365-kien-nghi-thu-2-ve-the-che.html
xem thêm: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/10/131025_vn_party_parliament.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét