Truyện vui . Azit Nexin (Thổ Nhĩ Kì)
Ngày xưa ở một xứ nọ có một ông Ác - mét. Ông ta buôn bán đại mạch, ngô, rơm rạ và nổi tiếng là giàu có. Nhưng ông ta không tiêu xài hoang phí mà chi tiêu rất dè xẻn.
Một hôm Vợ Ác - mét bảo ông ta:
- Đôi giày của con hỏng rồi. Phải mua cho nó đôi mới.
Ác - mét nổi giận:
- Lại đôi mới à? Hồi nhỏ, hai, ba năm mẹ tôi mới mua cho tôi một đôi giày, thế mà bố còn điên tiết nữa là. ở thời tôi một đôi giày đi hàng năm mười năm. Thế mà nó chỉ đi có hai tháng đã hỏng.
- Tôi đâu có lỗi - vợ đáp, - Tôi có làm hỏng giầy đâu cơ chứ.
Rồi bà xăm xăm đi đến chỗ con trai và mắng nó:
- Đồ ăn hại kia, hồi còn nhỏ bố mẹ đi hai năm mới hỏng một đôi giày chứ đâu như tụi trẻ ranh hư thân mất nết bây giờ. Một đôi giày mới đi có hai tháng đã tan tành!
- Thế lỗi con à? - đứa con cãi lại, - chính bố mẹ biết đấy: trước kia con đi cả năm mới tốn một đôi giày, sau đó một đôi chỉ đi được có nửa năm! Còn bây giờ thì mọi thứ tồi tệ hơn nhiều. Một đôi giày không thọ quá hai tháng. Chính bọn bán giày mới không có lương tâm. Họ bán toàn đồ hàng mã.
Hai mẹ con quyết định đến chỗ người bán giày mà họ thường mua để hiểu thực hư ra sao.
- Tôi đâu có tội! - người bán giày đáp. - Không phải chỉ có một mình bà đến phàn nàn về việc giày chóng hỏng. Tất cả mọi người đều bất bình như thế. Bà tưởng tôi thích những đôi giày ấy hay sao? Nhưng biết làm thế nào được: thời thế bây giờ là như vậy: người ta đã quên mất danh dự rồi. Những người thợ giầy đã giao cho chúng tôi thứ hàng như vậy. Bà đi mà hỏi họ ấy.
Nhưng các khách hàng đã làm cho gã chủ hiệu giày phải bực mình bởi rất nhiều những lời kêu ca phàn nàn. Cuối cùng gã không chịu được nữa và đích thân đến gặp người thợ giầy để tìm hiểu tại sao ông ta lại không đóng giầy tốt.
- Tôi không phải là nguyên nhân gây nên việc đó, người thợ giày đáp. - Bây giờ tôi phải mua nguyên vật liệu đắt hơn trước gấp nhiều lần. Mà hàng thì chẳng ra quái gì cả. Trước đây người ta có lương tâm hơn nhiều. Hàng của họ đâu phải là những tấm da mục thế này. Tôi đâu có lỗi.
Nhưng dầu sao thì cuộc nói chuyện đó cũng làm cho người thợ giày khó chịu. Ông ta bèn đến hỏi người bán da xem tại sao lại bán hàng kém phẩm chất.
- Thề có trời chứng giám, tôi không có lỗi, - người bán da một mực khăng khăng, - thời thế đã thay đổi rồi người anh em ạ. Ngày nay người ta quên mất cả danh dự và lương tâm. Năm vừa rồi tôi đã thay đổi bao nhiêu nhà máy da, - đếm trên đầu ngón tay không xuể. Nhưng sản phẩm của tất cả các nhà máy đều giống nhau như đúc, - toàn một thứ da mục!
Cuộc nói chuyện với người thợ giày làm người bán da tự ái. Ông ta bèn đến chất vẫn chủ nhà máy da.
- Tất cả những điều ông nói đều hoàn toàn là sự thật, - người chủ nhà máy nói - nhưng tôi nào có tội tình gì? Trước đây tôi mua được những nguyên liệu tốt cho nhà máy. Còn bây giờ thì thiên hạ chẳng có chút lương tâm nào cả. Mặc dầu họ bán với giá cắt cổ nhưng toàn đồ chết tiệt.
Người chủ nhà máy bèn cho gọi gã lái buôn bán nguyên liệu đến hỏi.
- Đúng là như thế! Quả là như vậy! Tôi nhất trí! - gã lái buôn nói. - Bây giờ da không bền như trước kia. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải do tôi gây nên. Bởi vì chúng tôi mua da của những người chăn nuôi trâu bò đưa đàn gia súc đến lò mổ. Ông anh ạ, không hiểu sao trước kia cả da lẫn lương tâm con người đều bền hơn nhiều.
Người thu mua nguyên liệu gặp người chăn nuôi gia súc. Anh ta nghe xong những lời phàn nàn bèn nói:
- Nhưng tôi có lỗi ở chỗ nào? Nếu như tôi bán da của tôi cho bác thì bác mới có căn cứ trách mắng tôi vì hàng xấu chứ. Đằng này tôi không bán da của tôi mà bán da bò cơ mà. Tôi chẳng rõ bác có tin tôi hay không nhưng ngay cả súc vật cũng mất hết lương tâm. Tôi không có lỗi. Bác đến mà hỏi đàn bò đực ấy.
Những yêu sách vô tận đã làm cho người mua phát ngán. Một hôm anh ta nắm sừng một con bò đực sắp bị giết thịt và nói:
- Này con bò kia, hãy nghe đây. Lương tâm của mi đâu rồi? Mi làm ta phải xấu hổ trước bọn lái buôn. Chính vì mi mà người ta buộc tội tao đủ điều. Trước đây da anh mi bền hơn nhiều. Vậy do đâu mà hiện nay nó không được như vậy nữa.
Bò đực ngoan ngoãn cúi đầu đáp lại:
- Chúng tôi đâu có tội! Hãy lấy tôi làm ví dụ đây này. Tôi cố gắng sao cho sức lực tôi, thịt xương, móng, phân và da của tôi đều có ích cho ông chủ của tôi. Muốn nói gì thì nói chứ cuối cùng tất cả chúng tôi đều bị chọc tiết và bị lột da. Vậy tại sao lại không cho con người tấm da dày hơn và bền hơn nhỉ? Nhưng phải chăng điều đó phụ thuộc vào tôi? Bây giờ thời thế khác rồi. Da chúng tôi ngày nay không được bền như da của cha ông chúng tôi. Vậy thì tôi có thể làm gì được? Bác có biết người ta cho tôi ăn thứ đại mạch như thế nào không? Một nửa là cát. Rơm thì rặt một thứ rơm mục. Trước kia người ta có nuôi chúng tôi như thế đâu! Thức ăn làm sao thì da làm vậy!
Bò đực đâm buồn phiền. Nó bèn đến gặp chủ và rống lên với tất cả sự phẫn nộ.
- Tại sao ông không chăm sóc tôi? Thức ăn thì ông cho ít, lại toàn đồ bẩn thỉu và thiu thối. Do đó xương cốt tôi không rắn chắc, da tôi không dày. Da như thế này không thể dùng để đóng giày tốt được. Trong việc này ông là người có lỗi, ấy thế mà người ta lại trút tội lên họ hàng nhà bò chúng tôi.
- Chú nói chí lí, - người chủ đáp, - nhưng đâu phải lỗi của ta. Chú nên biết rằng mùa màng kém lắm, ta thu hoạch không đủ để nuôi chú. Cho nên ta phải mua rơm và đại mạch của lão Ác - mét. Thời thế bây giờ thay đổi rồi chú mình ạ. Những người ngay thật không còn nữa. Lão lái buôn Ác - mét đã tăng giá hàng nhưng lại bán toàn thứ hàng bẩn thỉu, mục ải. Bởi vậy, bây giờ ta không thể cho chú mày ăn nhiều và ngon như trước kia nữa.
Tuy nhiên lời kêu ca của con bò đực đã khiến cho người chủ động lòng. Ông ta bèn đến chỗ Ác - mét và hỏi tại sao lão lại bán thức ăn cho gia súc với giá đắt và chất lượng xấu như vậy.
- Ông nói đúng, - Ác - mét đáp, - nhưng lỗi này không phải của tôi. Tất cả vấn đề là ở chỗ mọi người đã mất hết lương tâm. Thời thế thay đổi rồi người anh em ạ. Trước đây con trai tôi đi một đôi giày hàng năm mới hỏng, thế mà bây giờ nó mới đi chưa quá hai tháng đã phải quăng vào sọt rác.
Giày thì xấu mà giá lại đắt. Bây giờ đồ ăn thức uống và quần áo đều như thế cả. Để đủ nuôi gia đình tôi cũng phải làm như những người khác. Nhưng xin ông hãy tin rằng tôi làm điều đó không phải do ý muốn của mình. Tôi đâu có lỗi. Và cái vòng luẩn quẩn lại diễn ra từ đầu.
Lão lái buôn Ác - mét nổi giận chạy đến gặp người thợ giày, người thợ giày đến gặp chủ xưởng, chủ xưởng đến gặp người bán nguyên liệu, người bán nguyên liệu đến gặp người chăn nuôi, người chăn nuôi đến gặp con bò đực, con bò đực đến gặp chủ, chủ đến gặp lão lái buôn Ác - mét.
- Ông nói hoàn toàn đúng, - họ trả lời nhau, - nhưng tôi không có lỗi. Thời thế đã thay đổi. Mọi người đã đánh mất hết cả danh dự lẫn lương tâm rồi.
Lê Sơn dịch.
nguồn: http://www.nguoibanduong.net/index.php?nv=News&at=article&sid=972
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét